Sinh năm 1984 tại Bắc Ninh, Tuấn Đạt đến Nhật Bản năm 2008 với tư cách là một thực tập sinh trong lĩnh vực cơ khí. Sau nhiều nỗ lực, anh được phía công ty chủ quản đánh giá cao và mời ở lại Nhật. Từ đó, Đạt được chuyển đổi sang visa chất lượng cao và bắt đầu hành trình khởi nghiệp tại Hokkaido – quê hương người bạn đời của anh.
Bán bánh mì vì yêu ẩm thực Việt
Tình yêu ẩm thực đã thôi thúc Đạt theo đuổi con đường trở thành đầu bếp. Anh đã dành nhiều năm làm việc tại các nhà hàng, quán ăn để hiểu hơn về khẩu vị và thói quen tiêu dùng của người Nhật.
Đến tháng 5/2022, khi chính phủ nước này bãi bỏ những hạn chế trong việc đi lại sau đại dịch Covid-19, Tuấn Đạt nhận thấy thời điểm đã chín muồi và anh chính thức thực hiện giấc mơ mình ấp ủ – mở một quán ăn Việt Nam để giới thiệu hương vị quê hương đến với người dân địa phương.
Nhận thấy “vùng đất băng tuyết” Hokkaido là nơi có khí hậu lạnh nhất Nhật Bản và mật độ dân cư có xu hướng ngày càng giảm, thay vì mở một quán ăn cố định, Tuấn Đạt đã quyết định khởi nghiệp với một ý tưởng mới mẻ – quán ăn di động. Anh chọn bán bánh mì trên một chiếc xe tải nhỏ và hằng ngày di chuyển đến điểm bán để thu hút lượng khách yêu thích ẩm thực Việt Nam. Điều này không chỉ giúp anh linh hoạt trong việc chọn địa điểm kinh doanh mà còn tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận khách hàng ở nhiều nơi khác nhau trên Hokkaido.
Chia sẻ về ý tưởng kinh doanh, Đạt cho biết “lựa chọn bánh mì là món chính vì đó không chỉ là món ăn ngon mà còn là biểu tượng của sự hòa quyện văn hóa và lịch sử Việt Nam”.
Theo chàng trai Quảng Ninh, đa số người Nhật đều biết đến Bánh Mì Việt Nam và họ rất muốn thử nếu có cơ hội. Ngoài bánh mì, Đạt cung cấp thêm một số món ăn truyền thống Việt Nam khác như: nem cuốn, gỏi cuốn, bánh cuốn, thịt kho tàu… để khách hàng có thêm lựa chọn.
Tự tìm ra công thức riêng cho nước sốt bánh mì
Tuấn Đạt cho rằng, để thành công cần linh hoạt và thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt tại Hokkaido. Anh đã chủ động tham gia các lễ hội và sự kiện địa phương để quảng bá sản phẩm, đồng thời mở rộng dịch vụ nấu ăn theo yêu cầu, từ đặt tiệc cho đến phục vụ tại nhà.
“Một trong những thách thức lớn nhất tôi đối mặt không phải vấn đề tài chính, mà là việc tìm ra hương liệu phù hợp với khẩu vị của người Nhật”, Đạt nói.
Anh cho biết trước khi bắt tay vào kinh doanh đã dành một năm về Việt Nam để học hỏi, nâng cao kiến thức liên quan bánh mì và pate. Anh cũng đã làm việc tại nhiều cửa hàng, quán ăn ở Nhật để có thể khảo sát nhu cầu, tìm hiểu tình hình kinh doanh của các đơn vị tại Nhật, đặc biệt là Hokkaido, nơi anh định cư và xây dựng sự nghiệp.
Chàng trai Quảng Ninh cho hay mất hai năm để tìm ra công thức nước sốt bánh mì và các gia vị thịt nướng phù hợp. Ngoài ra, anh đặc biệt tự tin với công thức kết hợp tương miso cho nước sốt gỏi cuốn – một sự kết hợp táo bạo giữa hai nền ẩm thực Việt – Nhật.
Trong quá trình kinh doanh, Đạt cũng luôn lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ khách hàng. Anh đã điều chỉnh tỷ lệ gia vị và cách đóng gói sản phẩm để phù hợp với thị hiếu và sự tiện lợi cho người dùng.
Anh Kinoshita, một nhân viên hành chính quận Hidaka (Hokkaido) và cũng là một khách hàng quen của Đạt nhìn nhận, khó có thể tìm một người Việt Nam thông thạo tiếng Nhật, lại am hiểu văn hóa Nhật ở Hokkaido như Đạt.
“Anh ấy luôn làm việc chăm chỉ, dù bận rộn cho việc kinh doanh nhưng luôn dành thời gian giúp đỡ những người Việt khác đang sống và làm việc tại Urakawa”, anh Kinoshita nói.
Bà Ikemi Isai san – Chủ cửa hàng Tiệm Bánh Panpakapan (Urakawa), nơi Đạt từng làm việc trước khi khởi nghiệp – cũng nhận xét anh là người rất chăm chỉ, luôn tự chủ trong công việc. Mọi yêu cầu đưa ra, Đạt luôn lắng nghe cẩn thận, ghi nhớ và làm rất tốt.
“Sau khi không còn làm việc ở đây, cậu ấy vẫn kết nối với mọi người. Tất cả khách hàng của tiệm tôi đều thích dùng thử bánh mì Việt Nam của Đạt”, bà này nói.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa, chính sách hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản đã trở thành một điểm sáng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, như trường hợp của Lê Tuấn Đạt. Anh cho biết, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện các biện pháp nới lỏng tiền tệ và giảm lãi suất vay xuống mức chỉ từ 1,25% đến 3% như một động thái nhằm thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp trong nước.
Đặc biệt, tại các địa phương, chính quyền nước này cũng triển khai các gói chính sách hỗ trợ, hay còn gọi là Hojokin, để khuyến khích các chủ doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh của mình.
Các gói hỗ trợ này bao gồm việc tái đầu tư, sửa chữa, mở rộng kinh doanh, và quảng bá thương hiệu địa phương, với mục tiêu khuyến khích sự dịch chuyển của các nhà đầu tư đến các vùng nông thôn trên khắp nước Nhật.
Với việc lập kế hoạch kinh doanh kỹ lưỡng, cùng cam kết sử dụng các sản phẩm địa phương, anh đã tận dụng được những chính sách này để phát triển doanh nghiệp của mình. Điều đó không chỉ giúp Đạt mở rộng quy mô kinh doanh mà còn góp phần vào việc quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam tại Nhật Bản. Dịp lễ hội mới đây, doanh thu tại “quán di động” của anh lên đến 100 triệu đồng cho hai ngày tham gia.
Sau gần 2 năm, việc bán bánh mì “di động” của Đạt đã cho những kết quả khả quan, có những tháng cao điểm, doanh số thu về lên đến hàng trăm triệu đồng.
Hiện cửa hàng của anh đã thu hồi vốn (tức thu về 200 man, tương đương khoảng 380 triệu đồng) và đang ở bước phát triển – mở rộng kinh doanh với việc mở tiệm phở và lẩu – nhằm đáp ứng nhu cầu ẩm thực trong mùa đông của Hokkaido.
Mô hình “bánh mì di động” của Đạt đã tham gia vào các lễ hội tại Nhật và thu hút rất nhiều khách. Anh may mắn nhận được những hỗ trợ, lời mời tham gia các sự kiện tại địa phương để thúc đẩy du lịch cũng như quảng bá văn hóa. Đây cũng là một lợi thế cho những ai muốn khởi nghiệp tại vùng nông thôn, nơi được cho là khó khăn nhưng đầy cơ hội.
Trải qua nhiều thăng trầm trong hành trình khởi nghiệp tại xứ người, Tuấn Đạt hy vọng các bạn trẻ có cùng định hướng và đam mê khởi nghiệp ẩm thực như anh, cố gắng hết mình trong công việc, học hỏi từ những khác biệt văn hóa và tận dụng mọi cơ hội để phát triển bản thân. “Đừng chỉ đến Nhật để kiếm tiền, mà hãy đến để học”, chàng trai 8X tâm sự.
- Start-up Việt mang sáng kiến bảo mật ô tô thông minh ra thế giới (20/07/2024)
- Startup công nghệ thủy sản phục vụ 5.000 người nuôi tôm ở Long An, Cà Mau và Bạc Liêu muốn huy động tối đa 20 triệu USD trong vòng gọi vốn mới (07/05/2024)
- Hành trình lột xác của chiếc mo cau (01/04/2024)
- Ứng dụng trải nghiệm nhạc cụ tại các quán cà phê tiếp tục được rót vốn (16/10/2019)
- "Đừng khởi nghiệp bằng mắt" - Bài học rút ra sau 5 lần thất bại của thầy Nguyễn Mai Lâm (08/10/2019)
- Hai chỉ vàng, 1 xe đạp cà tàng thành tỷ phú bậc nhất Việt Nam (06/10/2019)
- Trái lời cha mẹ, quyết bỏ công việc ổn định để khởi nghiệp, chàng nha sỹ trở thành ông chủ startup 2 tỷ USD ở tuổi 37 (24/09/2019)
- Câu chuyện tự động hóa nông nghiệp của Hà Lan (15/08/2019)
- Mộc Thanh Trà Việt Nam (15/07/2019)
- Khu du lịch Công viên Cacao – Binon Cacao Park (15/07/2019)
|