Cũng giống như nhiều bậc cha mẹ bận rộn khác, chị Nguyễn Thị Bích Diệp không có nhiều thời gian cho những đứa con của mình. Một ngày sinh nhật con gái út, khi được hỏi, món quà con mong muốn là gì, câu trả lời trong trẻo của con đã làm chị giật mình: “Con chỉ cần mẹ đón con sớm thôi!”.
Chị bật khóc và suy nghĩ, thật đúng là quá lâu rồi mình không có nổi một lần đón con đi học về. thời gian bên các con quá ít ỏi khiến chị bỏ bê việc chăm sóc, nuôi nấng tâm hồn những đứa trẻ khiến chị Diệp không khỏi đau lòng và lo nghĩ. Và đó chính là lí do chị cho ra đời “Rơm hí hoáy”, với mong muốn tạo ra một sân chơi mà cha mẹ cùng con cái trực tiếp trải nghiệm, học hỏi kỹ năng sống.
Không muốn làm những khóa học khô khan, thiếu thực tế, với suy nghĩ “Mẹ bán xôi, con được ăn xôi”, chị Diệp tổ chức các chợ quê thu nhỏ tại nhà hoặc các trường học, tái hiện lại những nét xưa cũ đã dần mai một, để cha mẹ cùng các bé cùng nhau thực hiện các món ăn, đồ chơi và mua bán, trao đổi tại chợ.
Với “Chợ Rơm hí hoáy”, các em bé và cha mẹ cùng nhau tự thực hiện các món ăn dân gian như bánh dày, bánh rán, khoai, sắn, chè...; trang trí, bày bán các món ăn cùng rau củ, hoa quả; chơi các trò chơi truyền thống,...
Ngoài ra, các em còn thỏa thích “hí hoáy” khi được làm các đồ chơi dân gian với giấy, đất nặn; khám phá khoa học; vui đùa thỏa thích với những đụn rơm, trải nghiệm hội sách trên con đường rơm êm ái,...
Qua những hoạt động nhỏ ấy, tình cảm của cha mẹ và các con được vun vén và thắt chặt với nhiều thật nhiều khoảnh khắc yêu thương. Các con rất thích thú khi được chơi, được trải nghiệm sự mới mẻ, hoạt động cả thể chất và phát triển tự nhiên các kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp,...
Nét văn hóa tự lấy hàng, tự bỏ tiền vào giỏ cũng hình thành cho các bé sự tự giác, trung thực và văn minh. Hơn thế nữa, việc trải nghiệm với rơm rạ, với những trò chơi thuở bé của cha mẹ khiến các em thích thú và thêm yêu thương văn hóa truyền thống dân tộc một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, không gò ép.
Con đường không trải hoa hồng
Dù mang lại nhiều giá trị thiết thực và ý nghĩa, quá trình hoạt động của “Chợ rơm hí hoáy” quả thực không dễ dàng. Là người sống lâu năm ở Hà Nội nhưng lại đem lòng yêu thích mảnh đất Vũng Tàu, chị Diệp quyết định bắt đầu con đường của Rơm tại đây.
Một môi trường mới hoàn toàn, một mô hình mới đã gặp rất nhiều khó khăn trắc trở. Rơm chính là nguyên liệu chính, yếu tố đặc trưng để tạo nên một không gian chợ đậm chất làng quê, nhưng thành phố biển Vũng Tàu thì lấy đâu ra rơm? Chị phải tới một vùng quê xa để mua rơm, rồi việc bảo quản rơm như thế nào cũng là cả một vấn đề lớn.
Trời mưa nhiều nên phải để rơm trong nhà, và đó cũng chính là một ổ muỗi khổng lồ, nên chuyện muỗi bay thành đàn vo ve trong nhà rồi đốt các con là chuyện bình thường! Rồi chị Diệp cùng đội nhóm nhiều lần phải lặn lội vài ngày ở Sài Gòn để tìm kiếm các nguyên liệu đặc biệt cho các bé hoạt động tìm hiểu khoa học, hay các thực phẩm sạch để nấu nướng, bày bán,... Nhưng so với việc phải tự xây dựng và tổ chức một cái chợ cho vài trăm bé vui chơi, những khó khăn ấy chưa “xi nhê” gì.
Vừa tổ chức, vừa làm gian hàng, vừa trang trí, vừa nấu nướng,... rồi lượng khách đến chợ cũng không sát với đăng ký, nên việc tổ chức thực sự là khó khăn rất lớn cho chị. Có lần vừa mới kết thúc hội chợ, mọi người đã về hết để lại nguyên một cái chợ tan hoang. Bỗng trời mưa to như trút, chị phải chạy hết sức đi thu rơm, thu nguyên liệu dưới cơn mưa tầm tã…
Nếu không nghe chị kể trực tiếp, thực khó tưởng tượng sức mạnh nào có thể giúp người phụ nữ này có thể vượt qua được những khó khăn ấy. Vất vả là vậy, nhưng chị chưa bao giờ nản chí mà luôn quyết tâm thực hiện lý tưởng của mình: Mang đến sự kết nối giữa cha mẹ và con cái qua những hoạt động thực tế, nhân văn. Cũng chính ý nghĩa đó của các phiên Chợ Rơm làm các phụ huynh đồng cảm, yêu thương và tự nguyện tiếp sức cho chị.
Cứ đến ngày họp chợ, các bố mẹ lại tới sớm, mỗi người một chân một tay phụ giúp việc này việc kia như một đại gia đình. Chị Diệp cũng không quên nhắc tới sự hỗ trợ tuyệt vời của anh Tuấn, người đã tiếp thêm cho chị nhiều niềm tin để vững bước trên con đường đã chọn.
Cũng chính vì 2 chữ “niềm tin” là nguồn sức mạnh lớn lao giúp chị Diệp mang đến nhiều “Chợ Rơm hí hoáy” kết nối cha mẹ và con cái, đồng thời giúp các em học được những kỹ năng cần thiết qua việc yêu thương những giá trị văn hóa truyền thống.
Thấm thoắt cũng được 1 năm với khoảng ba mươi lần họp chợ với bao vất vả, lo toan. Mỗi khi khó khăn, chị lại nghĩ tới 3 người con, nghĩ tới nụ cười hạnh phúc của hàng chục nghìn người cha, người mẹ và các em nhỏ để vững tin tiếp tục con đường vất vả nhưng giàu cảm xúc của mình.
- Start-up Việt mang sáng kiến bảo mật ô tô thông minh ra thế giới (20/07/2024)
- Chàng trai Việt bán ‘bánh mì di động’ tại Nhật (16/05/2024)
- Startup công nghệ thủy sản phục vụ 5.000 người nuôi tôm ở Long An, Cà Mau và Bạc Liêu muốn huy động tối đa 20 triệu USD trong vòng gọi vốn mới (07/05/2024)
- Hành trình lột xác của chiếc mo cau (01/04/2024)
- Ứng dụng trải nghiệm nhạc cụ tại các quán cà phê tiếp tục được rót vốn (16/10/2019)
- "Đừng khởi nghiệp bằng mắt" - Bài học rút ra sau 5 lần thất bại của thầy Nguyễn Mai Lâm (08/10/2019)
- Hai chỉ vàng, 1 xe đạp cà tàng thành tỷ phú bậc nhất Việt Nam (06/10/2019)
- Trái lời cha mẹ, quyết bỏ công việc ổn định để khởi nghiệp, chàng nha sỹ trở thành ông chủ startup 2 tỷ USD ở tuổi 37 (24/09/2019)
- Câu chuyện tự động hóa nông nghiệp của Hà Lan (15/08/2019)
- Mộc Thanh Trà Việt Nam (15/07/2019)
|