SÁNG KIẾN TIỀN TỶ
Anh Nguyễn Đình Phong (Đoàn Công ty Vận chuyển khí Đông Nam Bộ) là một trong những tác giả được tuyên dương cho hay, xuất phát từ ý tưởng làm thế nào để hạn chế tối đa việc tàu thuyền, phương tiện làm ảnh hưởng đến các công trình dầu khí trên biển và hệ thống đường ống ngầm, anh đã nghiên cứu cho ra đời hệ thống tự động nhận dạng AIS. Giải pháp này cho phép quản lý trực quan chi tiết tàu thuyền qua lại kề cận công trình dầu khí trên biển; quan sát theo trực tuyến (real-time). Đồng thời, giải pháp có tính năng cảnh báo tự động, thủ công bằng tin nhắn và email đến tàu, thuyền có rủi ro neo đậu trong hành lang tuyến ống và tin nhắn, email đến các cấp quản lý có thẩm quyền. Giải pháp này có tính năng lưu trữ dữ liệu đường đi của tàu thuyền để theo dấu và truy xuất dữ liệu khi cần.
“Việc áp dụng hệ thống tự động nhận dạng AIS giúp phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ vi phạm an toàn đường ống dẫn khí, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; giúp tiết giảm chi phí liên quan đến việc khắc phục, sửa chữa các hư hỏng do các vụ việc vi phạm an toàn gây ra. Bởi, chi phí sửa chữa một điểm móp ống tiêu tốn hàng chục tỷ đồng”, anh Phong giải thích.
Trong khi đó, đề tài “Giải pháp nâng cao độ tin cậy và sẵn sàng cho hệ thống điều khiển GDS Phú Mỹ” của nhóm tác giả Nguyễn Hữu Mạnh và Lê Phương Đạt (Đoàn Công ty Vận chuyển khí Đông Nam Bộ) lại xuất phát từ hệ thống điều khiển GDS - Phú Mỹ. Anh Mạnh cho hay, hệ thống đã hoạt động gần 20 năm nên xuất hiện nhiều lỗi, gây khó khăn cho vận hành, xử lý và điều tra sự cố. Nhóm tác giả đã đưa ra giải pháp nâng cấp hệ thống điều khiển GDS - Phú Mỹ, bổ sung các yêu cầu để nâng cao độ tin cậy và sẵn sàng khắc phục toàn bộ các lỗi hiện hữu của hệ thống, đồng thời đề xuất các phương án để tinh giản hệ thống, giúp làm lợi hơn 1 tỷ đồng.
Đề tài “Giải pháp cung cấp nguồn khí Permeate Gas dư từ Nhà máy Xử lý khí Cà Mau” của nhóm tác giả Nguyễn Thanh Tân và Lê Xuân Thắng (Đoàn Công ty Khí Cà Mau) được áp dụng lần đầu tại công trình các Nhà máy xử lý khí ở Việt Nam cũng như ở trên thế giới. Việc áp dụng thành công giải pháp đã giúp Nhà máy Xử lý khí Cà Mau tận dụng được khí permeate gas dư, tối ưu hóa vận hành. Đồng thời, giúp cho Nhà máy Xử lý khí Cà Mau giảm được chi phí mua khí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, tối ưu hóa năng lượng cho cả cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm. Giải pháp đã được Công ty Khí Cà Mau phối hợp với Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau thực hiện và đưa vào vận hành an toàn, hiệu quả từ tháng 2/2019. Tổng giá trị làm lợi khoảng 88 tỷ đồng/năm.
Nhiều năm qua, PV Gas luôn được đánh giá là “điểm sáng” trong phong trào lao động sáng tạo của ngành dầu khí Việt Nam. Các sáng kiến cải tiến được áp dụng trong thực tế đã góp phần vào việc quản lý, vận hành các công trình khí an toàn, liên tục, hiệu quả; đem lại lợi ích kinh tế cho đất nước. Chỉ tính riêng giai đoạn 2017-2020, PV Gas đã có 454 sáng kiến được áp dụng vào thực tế với giá trị làm lợi hơn 1.200 tỷ đồng. |
ĐỘNG LỰC PHÁT HUY SÁNG KIẾN
Giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo” nhằm tôn vinh, biểu dương những cá nhân, tập thể là đoàn viên, thanh niên có công trình, sản phẩm sáng tạo xuất sắc được áp dụng trong học tập, công tác, lao động sản xuất; qua đó khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của tuổi trẻ. Năm 2020, Trung ương Đoàn đã nhận được 241 hồ sơ công trình, giải pháp, sản phẩm sáng tạo của thanh thiếu niên tham gia xét chọn Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo toàn quốc do 57 tỉnh, thành đoàn và đoàn trực thuộc đề cử. Trung ương Đoàn đã chọn 37 công trình, sản phẩm sáng tạo tiêu biểu nhất để tuyên dương, khen thưởng.
Ông Dương Mạnh Sơn, Tổng Giám đốc PV Gas cho biết, phong trào sáng kiến, cải tiến đóng vai trò quan trọng và đem lại lợi ích to lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Do vậy, những năm qua, PV Gas luôn chú trọng và đẩy mạnh phong trào, giúp công ty tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng. Thông qua phong trào, đội ngũ cán bộ quản lý và kỹ thuật của PV Gas từng bước trưởng thành và làm chủ kỹ thuật công nghệ ngành khí.
Các công trình được trao giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo” toàn quốc năm 2020 đã tiếp tục khẳng định sự sáng tạo và quyết tâm của đoàn viên, thanh niên ngành dầu khí nói chung và tuổi trẻ PV Gas nói riêng trong nghiên cứu khoa học gắn với thực tế đời sống. Giải thưởng này cũng tạo động lực cho đoàn viên, thanh niên ngành dầu khí tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ hiện đại, góp phần tăng năng suất lao động, xung kích đi đầu trong các phong trào thi đua, lao động sáng tạo để có nhiều công trình, giải pháp mang lại hiệu quả cao, đóng góp vào sự phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
- Tọa đàm chia sẻ cách gia tăng doanh số bán hàng qua kênh nền tảng xã hội (06/10/2024)
- 22 giải pháp, ý tưởng tranh tài tại Vòng Bán kết Cuộc thi ĐMST ngành Thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu (29/09/2024)
- Thông báo Vòng Bán kết Cuộc thi Đổi mới sáng tạo ngành Thuỷ sản Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2024 (23/09/2024)
- Tăng cường năng lực doanh nghiệp cho giai đoạn kinh tế xanh và bền vững (25/08/2024)
- Mãng cầu ta Tây Ninh chính thức được đặc cách lưu hành (15/08/2024)
- Phát triển kinh tế từ mô hình nuôi ong dú (04/08/2024)
- Hơn 60 start-up đã được rót vốn từ các nhà đầu tư ‘cá mập’ (04/08/2024)
- Nguồn vốn khởi nghiệp toàn cầu tăng bởi AI đang là tâm điểm (03/08/2024)
- Khấm khá nhờ mô hình trồng chùm ngót (03/08/2024)
- Giải thưởng lên đến 200 triệu đồng: Cuộc thi ĐMST ngành Thủy sản BR-VT năm 2024 (03/08/2024)
|