Nhìn ra thế giới
Khởi nghiệp công nghệ là quá trình xây dựng những doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ mang tính đột phá. Đối với mô hình kinh doanh truyền thống, các công ty tập trung tạo ra lợi nhuận ngay từ những ngày đầu tiên và lấy đó là thước đo cho hiệu quả hoạt động. Những doanh nghiệp này thường đặt mục tiêu tăng trưởng vài chục phần trăm mỗi năm.
Trong khi đó, doanh nghiệp công nghệ lấy tốc độ tăng trưởng và thị phần làm tiêu chí hàng đầu để đánh giá. Thời gian đầu, các doanh nghiệp này có thể hy sinh lợi nhuận nhưng trong tương lai, họ kỳ vọng sẽ tạo ra mức tăng trưởng lớn. Tối thiểu vài trăm phần trăm mỗi năm hoặc chiếm thị phần áp đảo trong lĩnh vực của mình.
Năm 2018, hơn 80% các doanh nghiệp niêm yết lần đầu (Initial Public Offering – IPO) trên sàn chứng khoán Mỹ đều báo lỗ trong 12 tháng trước đó, cao hơn nhiều so với mức trung bình 38% của 4 thập kỷ trở lại đây. Tuy nhiên, những công ty này vẫn được định giá rất cao và nhận được hàng tỷ USD của các nhà đầu tư.
Ví dụ Tesla, một công ty trong lĩnh vực sản xuất xe ôtô, đã IPO vào năm 2010. Nếu so sánh với các doanh nghiệp truyền thống như General Motor (GM), Tesla đang được định giá cao hơn GM (43 tỷ USD so với 37 tỷ USD). Tuy nhiên, Tesla chưa một lần công bố lãi trong khi GM đã tạo ra lợi nhuận hơn 70 tỷ USD từ năm 2010 đến 2018. Hay như Grab, đến thời điểm hiện tại, công ty này vẫn chưa có lợi nhuận nhưng mức định giá đã đạt hơn 14 tỷ USD và huy động được hơn 9 tỷ USD qua 27 vòng gọi vốn.
Ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật…họ đã tạo ra một sân chơi cho các công ty khởi nghiệp công nghệ. Theo đó, các công ty này không nhất thiết phải có lợi nhuận mà chỉ cần đáp ứng một số tiêu chí liên quan đến quy mô doanh số và tốc độ phát triển có thể niêm yết cổ phần lên sàn chứng khoán để huy động vốn từ các Quỹ đầu từ mạo hiểm (Venture Capital). Việc này giúp cho các công ty có thêm nguồn vốn từ đại chúng để tiếp tục đẩy nhanh quá trình phát triển và chiếm lĩnh thị phần.
Khởi nghiệp công nghệ Việt đang ra sao?
Theo Báo cáo của Google và Temasek, năm 2018, thị trường nền kinh tế số (internet economy) của Việt Nam đạt 9 tỷ USD và được kỳ vọng sẽ tăng lên 33 tỷ USD năm 2025. Tỷ trọng đóng góp của nền kinh tế số của Việt Nam so với GDP đang dẫn đầu Đông Nam Á ở mức 4% (2018), vượt trội hơn hẳn so với mức trung bình 2,8% của toàn khu vực. Đây là những tín hiệu cho thấy nền kinh tế số Việt Nam đang ở trong giai đoạn phát triển quan trọng với các yếu tố cốt lõi đang dần được hình thành một cách rõ nét. Ngoài ra, các yếu tố như nền kinh tế vĩ mô, cơ cấu dân số, hệ thống cơ sở hạ tầng và hành lang pháp lý, sự hỗ trợ của Chính phủ và các tập đoàn lớn cùng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp đang có những thuận lợi để doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ phát triển tốt.
Cụ thể, tổng mức đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam trên tổng GDP đang ở mức cao nhất trong toàn Đông Nam Á (5,7% so với trung bình 4,8% vào năm 2017). Tính riêng trong lĩnh vực khởi nghiệp, các khu công nghệ cao như Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) tại Láng Hòa Lạc với mức đầu tư 73 triệu USD dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2020. Ngoài ra, trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia còn đưa ra cơ chế pháp lý sandbox (cơ chế thí điểm mô hình kinh tế mới) giúp tạo môi trường phát triển cho các doanh nghiệp công nghệ hoạt động trong những lĩnh vực chưa có hệ thống luật pháp cụ thể.
Chính phủ cũng xác định khởi nghiệp công nghệ là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam trong giai đoạn tới. Nhiều sự kiện khởi nghiệp lớn có sự tham gia hỗ trợ của Chính phủ như TechFest, Vietnam Ventures Summit, cuộc thi Startup Wheel…nhằm tiếp thu ý kiến đóng góp và hoàn thiện cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Nhiều nghị định mới hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp công nghệ. Nổi bật là Nghị định 13/2019/ND-CP được ban hành vào tháng 2 năm nay, với nội dung các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Cuối cùng, nguồn vốn đầu tư vào khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam đang có sự tăng trưởng vượt bậc, góp phần tích cực vào sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước. Theo báo cáo về đầu tư công nghệ vừa công bố bởi ESP Capital và Cento Ventures, tổng số tiền đầu tư vào các startup công nghệ Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 là 246 triệu USD. Số công ty khởi nghiệp nhận được đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2019 đã vượt qua toàn bộ năm 2018 cộng lại. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã trở thành quốc gia nhận được nguồn vốn đầu tư cao thứ 3 khu vực, chỉ đứng sau Indonesia và Singapore.
Khởi nghiệp công nghệ là một lĩnh vực đặc biệt với nhiều đổi mới so với các mô hình kinh doanh truyền thống và đang tạo nên một xu hướng tích cực, mang lại nhiều cơ hội tăng trưởng kinh tế vượt bậc cho Việt Nam. Tuy nhiên, khác với các lĩnh vực truyền thống, các công ty khởi nghiệp công nghệ bị cạnh tranh gay gắt không chỉ với các công ty trong nước mà các đối thủ từ nước ngoài cung cấp sản phẩm dịch vụ xuyên biên giới. Chính vì vậy, chỉ có những công ty dẫn đầu thị trường mới có cơ hội tồn tại và phát triển.
Shark Dzung, tên thật là Nguyễn Mạnh Dũng (sinh năm 1980, quê ở Nghệ An). Anh nổi tiếng thông qua chương trình Thương Vụ Bạc Tỷ-Shark Tank Việt. Shark Dzung xuất thân từ một gia đình nghèo. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực và phấn đấu không ngừng, anh lọt vào mắt xanh của quỹ CyberAgent và dần trở thành người Việt đầu tiên nắm giữ vị trí Giám đốc của Quỹ đầu tư mạo hiểm nổi tiếng nhất tại Nhật. Hiện, ngoài vị trí Giám đốc quỹ đầu tư CyberAgent Việt Nam & Thái Lan, anh là người dẫn dắt các thương vụ đầu tư vào nhiều công ty công nghệ nổi tiếng tại Việt Nam như: Tiki, Vatgia, NhacCuaTui, Batdongsan, Vicare, Jupviec, Topica, Vexere, CleverAds, Kyna, Foody, Wefit, TheBank, Luxstay, Jupviec, VNG, Sapo và trở thành một nhà đầu tư công nghệ nổi tiếng. Không chỉ tại Việt Nam, anh còn dẫn dắt nhiều thương vụ đầu tư vào các công ty công nghệ tại Thái Lan như aCommerce, Priceza, Getlinks…
Lần đầu tiên Việt Nam có nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ đã gọi được các vòng vốn lớn với tổng số tiền huy động hơn 100 triệu USD cho một vòng gọi vốn… Điều này càng thúc đẩy thêm dòng tiền đầu tư mới chảy vào Việt Nam và thúc đẩy việc sản sinh ra nhiều kỳ lân công nghệ trong những năm tiếp theo.
- Tọa đàm chia sẻ cách gia tăng doanh số bán hàng qua kênh nền tảng xã hội (06/10/2024)
- 22 giải pháp, ý tưởng tranh tài tại Vòng Bán kết Cuộc thi ĐMST ngành Thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu (29/09/2024)
- Thông báo Vòng Bán kết Cuộc thi Đổi mới sáng tạo ngành Thuỷ sản Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2024 (23/09/2024)
- Tăng cường năng lực doanh nghiệp cho giai đoạn kinh tế xanh và bền vững (25/08/2024)
- Mãng cầu ta Tây Ninh chính thức được đặc cách lưu hành (15/08/2024)
- Phát triển kinh tế từ mô hình nuôi ong dú (04/08/2024)
- Hơn 60 start-up đã được rót vốn từ các nhà đầu tư ‘cá mập’ (04/08/2024)
- Nguồn vốn khởi nghiệp toàn cầu tăng bởi AI đang là tâm điểm (03/08/2024)
- Khấm khá nhờ mô hình trồng chùm ngót (03/08/2024)
- Giải thưởng lên đến 200 triệu đồng: Cuộc thi ĐMST ngành Thủy sản BR-VT năm 2024 (03/08/2024)
|