Đổi mới sáng tạo tại
Doanh nghiệp/tổ chức KH&CN trong kỷ nguyên thông minh hóa là chủ đề được
ông Bùi Quý Long- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập
KH&CN quốc tế (VISTIP) – Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ tại Phiên Chuyên
đề B “Hệ thống đổi mới sáng tạo Vùng và đô thị khoa học” thuộc Diễn đàn Đổi mới
sáng tạo Toàn cầu năm 2018 trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Phiên họp Đại hội đồng
lần thứ 11 - Hiệp hội Đô thị Khoa học Thế giới WTA năm 2018 diễn ra vào ngày
12/10, tại Bình Dương. Sự kiện này do Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới
sáng tạo (Bộ KH&CN) phối hợp cùng Sở KH&CN tỉnh Bình Dương đồng tổ
chức.
Tham dự phiên chuyên đề có ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương; ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở KH&CN Bình Dương; ông Nguyễn Ngọc Song, Phó Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN; ông Bùi Quý Long, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN quốc tế; ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TP HCM; cùng gần 100 đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học, đến từ các địa phương, viện, trường trong và ngoài nước
Toàn cảnh Phiên Chuyên đề B Hệ thống đổi mới sáng tạo Vùng và đô thị khoa học” thuộc Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Toàn cầu năm 2018
Theo ông Bùi Quý Long, hiện nay có các cách hiểu khác nhau về đổi mới và đổi mới sáng tạo, theo đó Đổi mới (Renovation) là cải cách một cách đầy đủ bao gồm cả kinh tế và các điểm khác của đời sống và xã hội được khởi xướng tại Việt Nam trong chính sách “doi moi” năm 1980 đã được chính thức thực hiện từ Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1986; Đổi mới sáng tạo (Innovation) là sự phát triển, áp dụng các thành tựu công nghệ, kỹ thuật và giải pháp quản lý để đạt được hiệu quản phát triển kinh tế xã hội, năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.
Kỷ nguyên thông minh hóa/số hóa/4.0 đang bắt đầu có một sự thay đổi có tính hệ thống trong xã hội của chúng ta, có thể hội tụ sự trưởng thành của công nghệ mới và sự tăng trưởng theo cấp số nhân trong công suất tính toán, số hóa và kết nối kỹ thuật số. Thay đổi công nghệ ngày nay diễn ra như sóng thần tất cả mọi thứ được kết nối với nhau và trở thành "thông minh". Vì vậy, nếu một điều thay đổi hoặc đang thay đổi liên tục, như trong trường hợp công nghệ thì hệ thống thế giới cần phải thay đổi để theo kịp. Kỷ nguyên mới -chủ nghĩa tài năng - nơi trí tưởng tượng và đổi mới của con người là động lực thúc đẩy nền kinh tế, trái ngược với nguồn vốn hoặc tài nguyên thiên nhiên.
Nhiều logic truyền thống có thể được đảo ngược: người trẻ tuổi có thể có lợi thế với người lớn tuổi, các nước nhỏ có thể thuận lợi hơn đối với nước lớn và người chiến thắng là người dám suy nghĩ và làm khác hoặc làm những điều tương tự tốt hơn. Khi sự tách biệt giữa thực tế và ảo bị loại bỏ, mối quan hệ giữa con người và công nghệ sẽ trải qua sự thay đổi đáng kể. Việc xuất hiện các công nghệ mới nổi như: Công nghệ sinh học (biến đổi gen); công nghệ robot, Công nghệ In 3D, Vật liệu mới, Internet kết nối vạn vật, động cơ chống trọng lực; li-fi (tốc độ gấp hàng trăm lần wi-fi); trí tuệ nhân tạo (AI); Dữ liệu số lớn (Bigdata) công nghệ chuỗi khối block chain…..
Cũng theo ông Bùi Quý Long, hiện nay, nhiều nước Châu Á đang khẩn trương xây dựng mô hình kinh tế 4.0 trong khi một số nước khác đã tiến đến mô hình kinh tế 5.0. Estonia, một nước Bắc Âu có 1,3 triệu dân lại đang tiến đến mô hình kinh tế 5.0 được nhiều nơi trên thế giới ngưỡng mộ. Nhiều nước đang tiến hành xây dựng nền kinh tế 4.0, song song đó cũng cập nhật, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế trong tương lai 5.0 này như Estonia.
Estonia có nền kinh tế 5.0 hiệu quả, người dân có thế làm thủ tục trực tuyến và hoàn thành trong vòng 5 phút, tất cả các thủ tục về y tế, hợp đồng, giao dịch ngân hàng, bầu cử hay thậm chí là mua vé đi tàu đều được tích hợp mã nhận diện công dân điện tử. Hầu như các thủ tục hành chính công tại Estonia không dùng đến chứng từ giấy mà làm online. Hệ thống Wifi phủ khắp đất nước trong khi các luật sư tư vấn cho khách hàng qua kênh trực tuyến. Tại đây, doanh nghiệp có thể dễ dàng đăng ký thủ tục mở Công ty trực tuyến chỉ trong vòng 18 phút từ bất kỳ đâu trên thế giới. Estonia cũng là nơi đầu tiên thử nghiệm li-fi.
Việc Estonia bước vào giai đoạn 5.0 là một điều gây sốc với nhiều chuyên gia. Trên thực tế, quốc gia này đã bắt đầu hướng đến phát triển công nghệ từ khi tách khỏi Liên Xô từ năm 1991 nhưng gặp rất nhiều khó khăn như thiếu nguồn lực, tài chính, kỹ thuật. Tuy nhiên, quốc gia này đã tận dụng chính những nhược điểm này để biến chúng thành thế mạnh. Với việc không có nhiều cơ sở để phát triển công nghệ, chính phủ Estonia không có nhiều gánh nặng và sẵn sàng thử mọi biện pháp để đổi mới. Họ không có nhiều tiền để đầu tư cơ sở hạ tầng nên việc phát triển hệ thống đăng ký online là điều tất yếu và do không muốn tốn nhiều chi tiêu cho đi lại, người dân rất sẵn lòng đăng ký trực tuyến các thủ tục hành chính.
Từ việc định nghĩa và bài học của Estonia, ông Bùi Quý Long nhận định rằng không có định nghĩa phổ biến cho một thành phố thông minh, nó có nghĩa là những mô hình khác nhau cho những chủ thể khác nhau. Định nghĩa thành phố thông minh sẽ thay đổi thành phố này so với thành phố khác và quốc gia này với quốc gia khác, phụ thuộc vào mức độ phát triển, sẵn sàng thay đổi và cải cách, nguồn lực và nguyện vọng của cư dân thành phố. Thành phố thông minh sẽ có ý nghĩa khác ở Ấn Độ và Châu Âu. Ngay cả ở Ấn Độ cũng không đưa ra được cách định nghĩa chung về một thành phố thông minh- Ông Bùi Quý Long nói.
Từ việc phân tích các khía cạnh của đổi mới, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc điểm của thành phố thông minh, kỷ nguyên số và thông minh hóa với các đặc điểm của Việt Nam, ông Bùi Quý Long cũng đưa ra nhận định rằng việc đổi mới sáng tạo xây dựng thành phố thông minh của Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung phải tính đến bài toán tối ưu trong tính chọn công nghệ phải mang tính bền vững hiệu quả lâu dài, tránh vào vết xe đổ của mua sắm công lãng phí khi công nghệ càng ngày càng thay đổi và hiện đại vượt qua khả năng dự đoán của các cấp chính quyền, cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
Phiên chuyên đề cũng được nghe các diễn giả đã trao đổi những vấn đề xoay quanh các nội dung khác bao gồm: hệ thống đổi mới sinh thái vùng và các đô thị khoa học; vai trò của các đại học và Maker Space (không gian dành cho nhà sáng tạo) trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở Việt Nam; tiềm năng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tham gia xây dựng đô thị thông minh; Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh trong hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo vùng và đổi mới sáng tạo tại các tổ chức. Đây là những nội dung có tính nền tảng và thực tiễn, giúp xem xét vấn đề thành phố thông minh một cách căn cơ hơn từ góc nhìn của việc xây dựng và nâng cấp hệ thống đổi mới, mặt khác cũng nhìn lại những thực thể, thể chế cơ bản của hệ thống đổi mới như các không gian thực làm, hệ sinh thái khởi nghiệp, doanh nghiệp KH&CN.
- Tiếp sức cho dự án khởi nghiệp (26/03/2019)
- Tham gia Techfest 2018 tại Đà Nẵng: Đồng hành cùng cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo (22/11/2018)
- Hội thảo thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long (12/11/2018)
- 7 lời khuyên dành cho các khởi nghiệp trẻ (12/11/2018)
- Kinh nghiệm khởi nghiệp thành công từ 3 startup triệu đô (12/11/2018)
- Startup đông trùng hạ thảo được kỳ vọng doanh thu trăm tỷ (12/11/2018)
- Startup nông nghiệp công nghệ cao kêu gọi đầu tư 2 tỷ đồng (11/11/2018)
- Ireland hỗ trợ khởi nghiệp Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (11/11/2018)
- Bức tranh khởi nghiệp tại các thành phố nhỏ của Mỹ (10/11/2018)
- Năm bước để xây dựng hệ sinh thái lớn mạnh (10/11/2018)
|