Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định vai trò của khởi nghiệp sáng tạo trong việc tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo ra những thay đổi đột phá, kiến tạo thị trường, lĩnh vực mới.
Thông tin được Thủ tướng nói tại Lễ khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest Vietnam) 2024 với chủ đề “Chung tay phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo” chiều 27/11.
Trong bài phát biểu Thủ tướng đánh giá cao vai trò của Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức hoạt động có ý nghĩa đối với việc thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam.
Theo Thủ tướng, khởi nghiệp sáng tạo đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của từng chủ thể, doanh nghiệp. Khởi nghiệp sáng tạo cũng tạo ra những thay đổi, kiến tạo thị trường, ngành và lĩnh vực mới.
Ông cũng chỉ ra nhiều điểm cần có sự chung tay để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển trong kỷ nguyên mới. Thủ tướng nhấn mạnh phương châm 3 chung: chung sức đồng lòng, chung tay hành động, chung hưởng thành quả. Từ đó, ông mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, nhất là thế hệ trẻ, dám đối diện với khó khăn, tạo nên những “kỳ lân” tầm cỡ khu vực và thế giới.
Trước đó trong phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã dẫn kết quả cho thấy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ.
Bộ trưởng cho biết, năm 2024,Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầucủa Việt Nam đã tăng hai bậc từ vị trí thứ 58 lên 56 (đứng thứ 5 tại khu vực Đông Nam Á và thứ 12 tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương).Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầuliên tục được cải thiện qua các năm. Năm 2024 tăng 4 bậc so với năm 2022, xếp thứ 44/133 quốc gia, nền kinh tế.
“Nhờ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển mạnh mẽ, Việt Nam đang nổi lên là một trong những nền kinh tế năng động mới nổi và là trung tâm phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, quá trình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể số lượng và chất lượng. Từ những bước đầu tiên, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đã thành điểm sáng không chỉ trong khu vực mà trên toàn thế giới, nâng tầm Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Ba nhóm khó khăn cần gỡ để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo
Tại lễ khai mạc, ông Lim Jungwook, Thứ trưởng, Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ & Khởi nghiệp Hàn Quốc đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Hàn Quốc. Theo ông nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, tạo cơ chế thúc đẩy phát triển hệ sinh thái, tạo hành lang giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển.
Đại diện góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập MOMO – kỳ lân công nghệ Việt Nam, chia sẻ về sự khác biệt giữa Doanh nghiệp SME – và Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong hệ sinh thái khởi nghiệp.
Theo ông Diệp, hai loại hình doanh nghiệp này đang bị hiểu nhầm lẫn nhau, trong khi có sự khác biệt lớn. Các doanh nghiệp startup sử dụng công nghệ bằng những phương pháp đột phá, chưa có tiền lệ để tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Doanh nghiệp này sẽ sử dụng bài toán lớn, cần vốn nhiều và mô hình rộng. Ngược lại doanh nghiệp SME là doanh nghiệp sinh kế, triển khai trên những mô hình đã được kiểm chứng, như mở một quán phở hay xưởng may. Mô hình này ưu tiên có doanh thu ngay và thường sự phát triển rất chậm, ổn định, tính rủi ro thấp.
Hiện Chính phủ đang thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình, “mô hình khởi nghiệp sáng tạo sẽ là đòn bẩy để thực hiện điều này”, ông Diệp nói và cho rằng những doanh nghiệp thành công trên thế giới đều là doanh nghiệp công nghệ như Google, Facebook…
Tuy nhiên đối với các doanh nghiệp công nghệ ở Việt Nam hiện còn gặp nhiều khó khăn, lớn nhất là chính sách và hành lang pháp lý. Vấn đề này cũng được đề cập ở phần 2 của chương trình, Diễn đàn với chủ đề “Chung tay phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia”.
Thảo luận tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoàng Thanh Bình cho biết hơn 10 năm qua, Bộ Ngoại giao đồng hành cùng Bộ Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư cụ thể hóa chương trình, các chính sách với 6 nhóm hoạt động lớn liên quan hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo. Qua thực tế chỉ ra có ba nhóm khó khăn thách thức kết nối mạng lưới người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.
Thứ nhất về thể chế chính sách với hệ thống pháp luật chưa bắt kịp nhu cầu, tốc độ hội nhập với đổi mới sáng tạo, tương thích với tiêu chuẩn thông lệ quốc tế.
Thứ hai là hỗ trợ nguồn lực không chỉ tiền mà cơ chế chính sách đãi ngộ mang tính đặc thù vì khởi nghiệp sáng tạo cần đầu tư ban đầu cao, thu hồi vốn kéo dài, thậm chí có rủi ro. Nên cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù về tài chính, vốn ưu đãi hơn so với các ngành khác.
Thứ ba, hoạt động kết nối trong mạng lưới người Việt Nam ở nước ngoài, giữa mạng lưới, trong và ngoài nước đang ở giai đoạn bước đầu, chưa thật sự mở rộng về diện nâng cao về chất.
Các đại diện đến từ Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung ương Đoàn TNCS HCM… đều đồng tình với những khó khăn doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đang đối mặt. Các ý kiến đề xuất tạo cơ chế, không gian và thiết bị cho các thành tố trong hệ sinh thái có thể hoạt động, giúp Việt Nam bắt kịp các công nghệ thay đổi nhanh chóng trên thế giới.
Techfest Việt Nam là một trong những sự kiện trọng điểm do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia theo Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng. Kể từ năm 2015, Techfest Việt Nam đã được tổ chức tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Bình Dương và Quảng Ninh…
Năm nay chương trình phối hợp với UBND Thành phố Hải Phòng, triển khai bởi Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Natec), Sở KH&CN Thành phố Hải Phòng. Sự kiện diễn ra tại khách sạn Pullman, số 12 Trần Phú, quận Ngô Quyền, Hải Phòng.
Chương trình là sự kiện thường niên lớn nhất dành cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam nhằm quy tụ các chuyên gia, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp uy tín trong và ngoài nước để đưa ra các định hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
- Triển vọng mới từ giống cá chình hoa (09/12/2020)
- Thành công mới của AI: Chuyển lời nói sang ngôn ngữ ký hiệu (02/12/2020)
- Sản xuất diesel sinh học từ hộp các tông bỏ đi (02/12/2020)
- Một nửa start-up đang phải “ngủ đông”, nữ chủ tịch Mạng lưới nhà đầu tư thiên thần nêu 3 bài học (02/12/2020)
- 5 sai lầm của startup khi gọi vốn trong vòng hạt giống (01/12/2020)
- Robot tí hon giúp hàn gắn tế bào tổn thương (30/11/2020)
- Máy in 3D tốc độ 10 tấn bê tông mỗi giờ (30/11/2020)
- Trao giải thưởng cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng (30/11/2020)
- Gia hạn nộp hồ sơ Cuộc thi Đổi mới sáng tạo ngành khai thác và chế biến hải sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2020 (20/11/2020)
- Robot giao hàng sử dụng trí tuệ nhân tạo (13/11/2020)
|