Chiều 10/9/2018, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ, Văn phòng Đề án 844 (Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025"), Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN phối hợp tổ chức Hội thảo “Bàn giải pháp thu hút nguồn lực trong nước và quốc tế cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam”.
Quang cảnh Hội thảo
Tham dự hội thảo có ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN; bà Trương Quỳnh Liên, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN; ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc Văn phòng Đề án 844; ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc Vườn ươm BK-Holdings; bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh, Sáng lập viên KisStartup; đại diện các Làng khởi nghiệp về Tourism, Fintech, Impact Tech cùng gần 40 cơ quan thông tấn báo chí.
Ông Phạm Dũng Nam cho biết, trong năm 2017 và 2018, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan trong việc tạo lập môi trường thể chế chính sách thuận lợi cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cụ thể, Bộ đã xây dựng và ban hành Thông tư số 01/2018/TT-BKHCN ngày 12/4/2018 quy định tổ chức quản lý Đề án 844; phối hợp tham gia xây dựng nội dung về khởi nghiệp sáng tạo và đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tại Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và Nghị định số 38/2018/NĐ-CP đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
Bên cạnh đó, Bộ đã tham gia xây dựng nội dung về hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và đầu tư khởi nghiệp sáng tạo từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp tại Nghị định số 76/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ; đã trình Chính phủ báo cáo giải pháp thu hút đầu tư khởi nghiệp sáng tạo trong và ngoài nước tại Công văn số 666/BKHCN-PTTTDN ngày 19/3/2018; đề xuất các giải pháp về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nhà đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo…
Ông Phạm Dũng Nam cũng thông tin, tại Việt Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang phát triển mạnh mẽ. Theo thống kê của Tạp chí Echelon, Singapore, một trong những tạp chí online lớn nhất về khởi nghiệp ở Đông Nam Á, Việt Nam hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Con số này tăng gần gấp đôi so với số liệu ước tính vào năm 2015 (khoảng 1.800 doanh nghiệp). Đồng thời, số lượng và chất lượng của các startup ngày càng tăng cao, thể hiện qua số lượng các thương vụ đầu tư, số lượng vườn ươm, khu làm việc chung…
Dẫn thống kê của Tổ chức Topica Foun2der Institute (TFI), ông Phạm Dũng Nam cho hay, năm 2017, Việt Nam tiếp nhận 92 thương vụ đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo với tổng số vốn hơn 291 triệu USD, tăng gần gấp đôi về mặt số lượng thương vụ và gần 50% về mặt tổng số vốn đầu so với năm 2016. Hết năm 2017, có khoảng 40 quỹ đầu tư có hoạt động tại Việt Nam, phần lớn là các quỹ đầu tư nước ngoài. Trong số đó, một số quỹ đầu tư có văn phòng đại diện ở Việt Nam như IDG Ventures, CyberAgent Ventures, DJF-VinaCapital, 500 Startups.
Cũng về vấn đề này, bà Phan Hoàng Lan (Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN) cho rằng, sự hiện diện của các nhà đầu tư quốc tế ở Việt Nam là rất lớn. Điều này thể hiện qua việc các khoản vốn lớn nhất năm 2017 đều đến từ các nhà đầu tư này. Ví dụ như Foody, 2 Undisclosed dea lần lượt được Sea Group đầu tư 64 triệu USD và 50 triệu USD; Tiki được DJ.COM STIC Investment đầu tư 54 triệu USD, Vntrip được Hendale Capital đầu tư 10 triệu USD… Số lượng giao dịch có sự tham gia của nhà đầu tư quốc tế chiếm hơn 30% tổng số giao dịch nhưng giá trị đầu tư từ quốc tế lớn hơn nhiều so với đầu tư trong nước.
Những con số trên đã cho thấy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Tuy có nhiều startup gọi vốn quốc tế thành công nhưng, theo các chuyên gia, việc kết nối với hệ sinh thái quốc tế vẫn rất quan trọng, đặc biệt khi các start-up Việt đang ngày càng hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.
Bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh, nhà quản lý và là đồng sáng lập của KisStartup cho hay, một trong những rào cản của start-up Việt trong việc gọi vốn từ nhà đầu tư quốc tế chính là ngôn ngữ (tiếng Anh). Bà Minh cũng đưa ra lời khuyên cho các start-up là cần chuẩn bị đầy đủ tài liệu, hồ sơ khi khi đến gặp nhà đầu tư để tránh lãng phí thời gian tìm hiểu; Phải có phản hồi nhanh chóng với nhà đầu tư khi họ quan tâm đến dự án đó. Đặc biệt, các start-up phải thuyết trình được mô hình kinh doanh của mình là gì bởi đây là câu hỏi quan trọng để có thể nhận được đầu tư.
Theo bà Phan Hoàng Lan, thời gian qua, NATEC đã phối hợp với Văn phòng Đề án 844 hỗ trợ quảng bá và giới thiệu các start-up tiêu biểu tham gia các diễn đàn kết nối với kiều bào, tri thức quốc tế; kết nối quốc tế qua các vườn ươm, cơ sở thúc đẩy kinh doanh, đại sứ quán.
“Thời gian tới, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đề án 844 là hướng tới mở rộng kết nối vùng, liên vùng, quốc gia và quốc tế để thu hút nguồn nhân lực, nhân lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tới Việt Nam; nghiên cứu xây dựng chính sách thị thực cho cá nhân người nước ngoài tới Việt Nam để xây dựng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đầu tư và tìm kiếm cơ hội đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” - ông Phạm Dũng Nam cho biết thêm.
Cũng tại hội thảo, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN thông tin về Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam (Techfest Vietnam 2018). Dự kiến, sự kiện lớn nhất của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam này sẽ diễn ra từ ngày 29/11 đến ngày 01/12 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Ariyana Đà Nẵng. Mục tiêu của Techfest Vietnam 2018 là đẩy mạnh thu hút đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp, tham vấn chính sách về đổi mới sáng tạo, tôn vinh doanh nghiệp khởi nghiệp và các tổ chức hỗ trợ có đóng góp tích cực cho cộng đồng khởi nghiệp.
Theo kế hoạch, “Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam-Techfest 2018” có nhiều hoạt động quan trọng như: Hội thảo khoa học về chính sách hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Tọa đàm đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ và các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Hội thảo chuyên đề phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp, công nghệ y tế, du lịch, tài chính; Chung kết cuộc thi khởi nghiệp.
- Starup dùng công nghệ tranh tài giải quyết bài toán du lịch (08/11/2018)
- Hội thảo chuyên gia quốc tế về KCN sinh thái lần thứ hai (08/11/2018)
- Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Gia Lai và ký kết hợp tác phát triển (01/11/2018)
- Hội thảo “Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Phú Yên” (29/10/2018)
- Họp Ban tổ chức chuẩn bị cho ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2018 (29/10/2018)
- Hội thảo khoa học “Liên kết vùng xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” và Chung kết cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2018” (29/10/2018)
- Việt Nam - Phần Lan đẩy mạnh hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (29/10/2018)
- Hội thảo khoa học “Liên kết vùng xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” và Chung kết cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên năm 2018” (29/10/2018)
- Khởi động Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo công nghệ 4.0 (26/10/2018)
- Hợp tác ứng dụng các công nghệ tiến tiến trong phát triển nông nghiệp Việt Nam giữa Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia tại Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập khoa học và công nghệ quốc tế (20/10/2018)
|