Trong những ngày cao điểm cuối năm, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh hàng hoá sản phẩm Tết đã kịp thời bắt “trend”: livestream bán hàng Tết.
* Thời đại của livestream bán hàng
Chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, cùng với kế hoạch dự trữ hàng Tết, tổ chức các chương trình kích cầu mua sắm, năm nay, công nghệ được các nhà phân phối, doanh nghiệp và hộ kinh doanh ứng dụng mạnh mẽ thông qua hình thức livestream bán hàng với hy vọng tiếp cận rộng rãi khách hàng trong cả nước, góp phần thúc đẩy tiêu dùng nội địa ở mùa mua sắm lớn nhất trong năm.
Các phiên livestream được tổ chức khá rầm rộ trên nền tảng mạng xã hội như facebook, TikTok… Cụ thể, trong 2 ngày 20 – 21/1, trong khuôn khổ “Ngày hội mua sắm giải trí Tết TP.Hồ Chí Minh”, tại Vạn Hạnh Mall, các phiên livestream bán hàng Tết được tổ chức, giới thiệu rất nhiều sản phẩm thời trang, mỹ phẩm, quà Tết… với sự tham gia của các người mẫu, TikToker nổi tiếng. Tuy chưa có số liệu chính thức song ghi nhận ban đầu của một số nhãn hàng, số lượng đơn được chốt khá lớn cho thấy lợi thế và hiệu quả vượt trội của hình thức bán hàng này.
Trước đó, cũng trên nền tảng TikTok, một số nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng đã livestream khá thành công “Chợ Tết miền Tây” hỗ trợ bà con nông dân bán hoa cây cảnh, nông sản, đặc sản miền Tây.
Không đứng ngoài cuộc, một số siêu thị lớn như Co.opmart, Big C & GO! cũng đã có kế hoạch và tổ chức livestream bán hàng Tết, bên cạnh các kênh phân phối truyền thống như bán trực tiếp, đặt hàng qua mạng, qua app… Đại diện Co.opmart cho biết, sẽ tổ chức 8 phiên livestream với khoảng 5.000 khuyến mại, giảm giá hàng hoá Tết, tương tác trực tiếp với khách hàng, giới thiệu sản phẩm, hướng dẫn nấu ăn, chia sẻ mẹo hay ngày Tết…
Tết Nguyên đán càng cận kề, các phiên livestream càng tổ chức liên tục. Ngoài các doanh nghiệp, hệ thống phân phối, các hợp tác xã và hộ kinh doanh sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền cũng tích cực và nhanh nhạy thay đổi phương thức bán hàng, livestream trên nhiều mạng xã hội.
Các phiên livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội tiếp tục là hoạt động nối dài của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số. Những trải nghiệm mua sắm kết hợp với giải trí giúp nâng cao giá trị kinh tế, thương mại trong một năm kinh tế buồn và tiêu dùng bán lẻ vẫn chưa lấy đà tăng trưởng mạnh, thích nghi nhanh chóng với niềm tin và hành vi mua hàng của người dùng. Theo thống kê, mỗi ngày người Việt Nam hơn 2 giờ để sử dụng nền tảng mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin.
Đại diện TikTok Việt Nam chia sẻ: sau khi nhãn hàng xây dựng nội dung giải trí phù hợp, người dùng sẽ không ngừng khám phá, tương tác, cân nhắc và hình thành xu hướng mua sắm một cách tự nhiên. Người dùng được thu hút bởi sự hấp dẫn của nội dung sẽ chủ động quan tâm, tương tác với nhãn hàng. Việc mua hàng cũng sẽ trở thành một phần giải trí và người dùng sẵn sàng chia sẻ cảm nhận với bạn bè, kết nối cộng đồng người tiêu dùng sau khi mua và sử dụng sản phẩm.
Điều này tạo nên một vòng xoay hấp dẫn giữa thương hiệu, người tiêu dùng và cộng đồng, nuôi dưỡng sự tăng trưởng liên tục cho doanh nghiệp. Đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp tăng mạnh lượng truy cập cũng như đơn hàng trong mùa mua sắm Tết 2024.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nền tảng thương mại điện tử được xem là bước trung gian giúp doanh nghiệp chuyển đổi số, cách thức bán hàng. Để mang tới giá trị bền vững và thành công bán hàng, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh cần thay đổi nhận thức, tìm kiếm nguồn hàng chất lượng, uy tín, giá cả cạnh tranh.
- Thứ trưởng Khoa học: Hệ sinh thái khởi nghiệp cần đi vào thực chất (21/06/2018)
- Thí điểm phương án nâng cao tính năng sáng tạo, khởi nghiệp tại KCNC Đà Nẵng (18/04/2018)
- Khởi nghiệp trong nông nghiệp: Lấy đổi mới, sáng tạo làm nền tảng (16/04/2018)
- Hiểu rõ khách hàng với mô hình AARRR cho Start Up (16/04/2018)
|