Du học Nhật Bản, mỗi lần ra siêu thị tìm mãi chỉ có phở ăn liền của nước khác ăn với nước mắm, không phải hương vị phở Việt như đã quen.
Nỗi thèm món phở quê nhà trở thành đề tài của đôi bạn trẻ 9X gặp gỡ nơi xứ người rồi nên duyên vợ chồng, cũng bắt đầu nhen nhóm ý tưởng khởi nghiệp đưa phở Việt ăn liền có nước dùng đóng gói đi Nhật.
Xuất khẩu phở chính là xuất khẩu văn hóa ẩm thực Việt Nam ra thế giới. Dù con đường chinh phục khách hàng Nhật trước rồi quay lại phát triển thị trường trong nước khá gian nan nhưng với chúng tôi là con đường bền vững khi đặt chất lượng sản phẩm trên hết.
TRẦN BẢO KHÁNH (CEO K-Products)
Chọn lối đi riêng
Về nước sau khi hoàn tất du học, vợ chồng Mai Thị Thu Trang – Trần Bảo Khánh về quê chồng ở TP Vũng Tàu lập nghiệp. Đó cũng là thời điểm dịch COVID-19 đang hoành hành, nhưng mục tiêu xác định phải vào thị trường Nhật Bản.
Hai vợ chồng bắt đầu tìm hiểu nhu cầu thị trường, công nghệ chế biến. Họ gặp PGS.TS Kha Chấn Tuyền (Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) nghe tư vấn về công nghệ đóng gói tiệt trùng retort của Nhật.
Ấy là công nghệ cao cấp, thỏa yêu cầu về bảo quản thực phẩm khô. Nước dùng lâu dài nhưng không bị mất chất được đóng gói bằng túi nhôm dày 4 lớp, chịu được nhiệt độ 140oC, ngăn được ánh sáng và khả năng tái nhiễm vi sinh vật.
Và họ quyết định khởi nghiệp. Cả hai thành lập công ty chuyên các sản phẩm khô ăn liền và nước dùng K-Products. Một phần đến từ sau khi khảo sát, nhận ra nhu cầu tiêu thụ thực phẩm thời dịch của người tiêu dùng phần nào thay đổi, không quá phụ thuộc vào thực phẩm tươi nữa.
“Chữ K trong tiếng Nhật là Kano, nghĩa là khả năng biến những điều tưởng chừng chỉ là khả năng thành hiện thực. Chúng tôi muốn xuất khẩu, giới thiệu đến bạn bè quốc tế phở ăn liền Việt Nam với tham vọng xuất khẩu phở chính là xuất khẩu văn hóa ẩm thực Việt Nam ra thế giới” – Thu Trang chia sẻ.
Đầu tư tiền tỉ vào nhà xưởng, nhập công nghệ và máy móc từ Nhật về nhưng vách đá lớn nhất chính là làm sao điều chế được nước dùng đúng hương vị phở Việt không dùng chất phụ gia công nghiệp. Mà nước dùng phở tới mười mấy nguyên liệu, gia vị tạo thành, chưa kể hương vị phở mỗi miền của Việt Nam cũng khác nhau.
Tính mãi, cuối cùng mới chọn 70% hương vị truyền thống phở Bắc, 30% hương vị phở Nam thành công thức tạo nước dùng. Trần Bảo Khánh cho biết đã mời chuyên gia ẩm thực hơn 15 năm kinh nghiệm đồng sáng lập công ty để phụ trách khâu hương vị, điều chế các loại nước dùng.
Mở rộng thị trường
Chọn thị trường Nhật cũng không ngoài suy nghĩ đây vốn là thị trường khó tính nổi tiếng, các điều kiện nhập khẩu thực phẩm khắt khe. Nên nếu chinh phục được khách hàng Nhật coi như chứng minh được sản phẩm chất lượng và không quá khó để chinh phục những khách hàng khác trên thế giới.
Chọn lối đi khó, đôi vợ chồng trẻ không nhiều vốn, phải vay mượn đầu tư nhiều thứ ban đầu. Nhưng trầy trật nghiên cứu, thử cả trăm lần vẫn chưa tìm ra được hương vị nước dùng vừa ý, nhiều lúc nản lòng, muốn bỏ cuộc, Thu Trang phải làm thêm công việc khác để lấy ngắn nuôi dài.
Phải đến cả năm sau, khi mọi thứ dần hoàn thiện, lô hàng mẫu đầu tiên khoảng 100 triệu đồng xuất thử sang Nhật vào tháng 5-2022. Chờ hai tháng cho các khâu kiểm nghiệm, lúc này sản phẩm mới được người tiêu dùng Nhật Bản chấp nhận, hai vợ chồng ôm nhau khóc.
Chuyến hàng ấy giúp cả hai tự tin bắt tay sản xuất đại trà. Đối tác ở Nhật đặt hàng thêm các sản phẩm khác như bún riêu cua, bún bò Huế, miến măng gà, rồi cả cá nục kho tiêu, cá kho làng Vũ Đại.
Họ còn đề nghị sản xuất cả nước dùng lẩu bò, lẩu hải sản, lẩu cua đồng, lẩu bao tử hầm tiêu. Những đặt hàng ấy được công ty nghiên cứu và đến nay đã có 18 loại sản phẩm thực phẩm khô ăn liền, nấu liền.
Sản phẩm của K-Products xuất hiện ngày càng nhiều trên các kệ hàng siêu thị Nhật Bản. Số lượng đơn hàng xuất khẩu qua Nhật bắt đầu tăng, giá trị đạt con số tiền tỉ. Năm 2023 đã có thể vào hệ thống khách sạn, nhà hàng, quán cà phê ở Nhật và Úc.
Công ty bắt đầu tham gia các hội chợ, triển lãm thực phẩm và đồ uống tại nước ngoài, tìm đường vào các thị trường mới ở Mỹ, Canada, Úc, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan…
Trong nước, công ty phát triển thị trường qua các kênh bán hàng thương mại điện tử. Doanh thu cũng bắt đầu tăng, từ 600 triệu đồng năm 2022 lên 4 tỉ đồng năm 2023.
“Xuất khẩu đi Nhật được rồi chúng tôi mới quay lại phát triển thị trường trong nước. Chúng tôi muốn nâng tầm tiêu chuẩn chất lượng phục vụ người tiêu dùng trong nước” – Thu Trang nói.
Vừa làm vừa học
Tháng 3-2023, công ty đã kêu gọi thành công một quỹ đầu tư góp vốn, xây dựng thêm nhà máy sản xuất ở Quảng Nam có diện tích 4.000m2. Công suất sản xuất cũng tăng gấp 10 lần, từ 1.500 sản phẩm/ngày lên 15.000 sản phẩm/ngày, kinh phí đầu tư 1 triệu USD. Dự kiến nhà máy này sẽ đi vào hoạt động từ quý 2-2024.Với việc đầu tư mở rộng quy mô sản xuất như thế, công ty đặt mục tiêu đạt doanh thu 50 tỉ đồng trong năm 2024. Tính đến hiện tại, công ty mới 2,5 tuổi nhưng đã mất một năm đầu tập trung chuẩn bị, nghiên cứu và hầu như không sản xuất, không kinh doanh.
Chính hai vợ chồng cũng băn khoăn vì bước đi hiện tại tương đối nhanh, sợ công ty non trẻ, nội lực chưa nhiều và năng lực vận hành công ty của cả hai còn ít.
“Chúng tôi nhận ra còn khá yếu khâu marketing, phát triển thương hiệu, bảo hộ sản phẩm và vẫn đang vừa làm vừa đầu tư, học hỏi thêm nhiều thứ khác nữa” – Thu Trang, giám đốc kinh doanh K-Products, bộc bạch.
- Tác dụng mới của chiêu “thu cũ đổi mới” (17/01/2024)
- Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng doanh thu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (15/01/2024)
- Ba thách thức của doanh nghiệp Việt khi chuyển đổi xanh (14/01/2024)
- Đưa hàng Việt lên sàn thương mại thế giới (13/01/2024)
- Khởi nghiệp? 05 điều quan trọng nhất bạn cần biết (27/12/2023)
- BÍ MẬT THÀNH CÔNG CỦA MỘT STARTUP LÀ GÌ? – THỜI GIAN (27/12/2023)
- 1 startup cho thuê xe điện phá sản: Thừa nhận phóng đại doanh thu suốt 2 năm, bị huỷ niêm yết, cạn sạch tiền mặt (27/12/2023)
- HBR: 4 LOẠI HÌNH ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CHÚNG GIẢI QUYẾT (27/12/2023)
- YC: NHỮNG LỜI KHUYÊN THIẾT YẾU CHO STARTUP (27/12/2023)
- BCG: NHỮNG CÔNG TY ĐỔI MỚI SÁNG TẠO NHẤT THẾ GIỚI NĂM 2023 (27/12/2023)
|