Rác thải gây ô nhiễm là hiện trạng nhức nhối và khó có thể thay đổi. Nhưng vẫn có những cách để biến rác thành tiền, được trình bày tại cuộc thi Đổi mới sáng tạo ngành thủy sản Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2024, diễn ra vào cuối tuần qua.
Tận dụng rác thải
Với quyết tâm theo đuổi các giải pháp giải quyết rác thải từ đại dương, bảo vệ môi trường, bà Nguyễn Thị Hồng Lan, Giám đốc Công ty Hải Lan (TP.Bà Rịa) tiếp tục đem đến cuộc thi Đổi mới sáng tạo ngành thủy sản năm nay giải pháp biến rác thải vỏ sò ốc gây ô nhiễm thành sản phẩm lưu niệm.
Với lượng khách du lịch đến Bà Rịa-Vũng Tàu và nhu cầu chế biến cao, rác thải hải sản, vỏ sò ốc từ các nhà hàng, khách sạn, cơ sở chế biến hải sản lên đến hàng tấn mỗi đêm, gây ra mùi hôi thối trên diện rộng và rất khó phân hủy nếu không xử lý tốt tại nguồn. Công ty Hải Lan đã thu gom các vỏ sò ốc này, xử lý, làm sạch rồi tái chế thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang tính nghệ thuật và giá trị kinh tế cao.
Hiện nay, Công ty Hải Lan có hơn 100 mẫu mã với khoảng 3.000 sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ vỏ sò ốc, với giá bán từ vài chục ngàn đến 5 triệu đồng/sản phẩm tùy loại. “Việc biến rác thải vỏ sò ốc thành sản phẩm quà tặng là một giải pháp sáng tạo giúp giảm ô nhiễm môi trường biển và thúc đẩy tái chế hiệu quả cho nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh đang là xu hướng phát triển trên toàn thế giới”, ông Trần Duy Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN, Phó Trưởng Ban tổ chức cuộc thi đánh giá.
Tương tự, nhóm học sinh Hứa Văn Hải, Nguyễn Huy Hoàng, Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt ở TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đã đem đến cuộc thi dự án chế tạo gạch siêu nhẹ từ rác thải nhựa và vỏ trấu, góp phần bảo vệ hệ sinh thái biển.
Rác thải nhựa sau khi thu gom được làm sạch, cắt nhỏ, nung chảy, trộn với vỏ trấu được sấy khô, nghiền nhỏ, sau đó cho vào khuôn ép thành các viên gạch theo mẫu mà khách đặt hàng. Gạch làm từ rác thải nhựa và vỏ trấu có đặc tính siêu nhẹ, bền chắc, cách nhiệt và chống thấm nước, có thể sử dụng trong xây dựng, thay thế các loại gạch truyền thống như gạch đất nung hoặc xi măng.
Nhiều giải pháp thiết thực
Theo đánh giá của đại biểu tham dự vòng chung kết trao giải cuộc thi Đổi mới sáng tạo ngành thủy sản Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2024, các dự án, mô hình, ý tưởng tham gia cuộc thi năm nay khá hữu ích và có giá trị ứng dụng cao trong sản xuất, nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản.
Ông Nguyễn Đình Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá TP.Vũng Tàu nhận xét, giải pháp chế tạo gạch siêu nhẹ từ rác thải nhựa và vỏ trấu là một giải pháp hay, đầy tính sáng tạo, có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ môi trường biển.
“Nếu có thể chuyển giao công nghệ, sản xuất máy ép nhựa nhỏ gọn đặt được trên tàu cá thì sẽ giải quyết được vấn nạn rác thải đại dương từ sinh hoạt, sản xuất trong ngành khai thác hải sản. Ngoài ra, mô hình ứng dụng ruồi lính đen vào việc bổ sung nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản cũng là cũng là một ý tưởng hay, thiết thực ”, ông Ngọc nhận định.
Ông Trần Duy Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN cho biết, từ năm 2020, sở phối hợp với các đơn vị tổ chức cuộc thi Đổi mới sáng tạo ngành thủy sản nhằm tìm kiếm, phát triển các giải pháp, ý tưởng công nghệ nâng cao giá trị, giải quyết các vấn đề của ngành thủy sản, từ đó phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực thủy sản. Qua 5 năm tổ chức, cuộc thi đã thu hút 160 dự án, giải pháp, ý tưởng trên khắp cả nước với nhiều thành phần xã hội tham gia, từ học sinh, sinh viên, các viện, trường đại học đến doanh nghiệp và tổ chức đoàn thể.
“Các dự án, giải pháp, ý tưởng tham gia cuộc thi ngày càng có chiều sâu, có tính ứng dụng cao, có thể chuyển giao mở rộng trong sản xuất, nuôi trồng, khai thác thủy sản. Đặc biệt năm nay có nhiều giải pháp giúp giải quyết vấn nạn rác thải đại dương, tận dụng rác thải để sản xuất xanh, áp dụng kinh tế tuần hoàn là xu hướng phát triển mà tỉnh đang hướng tới”, ông Thanh đánh giá.
- Bàn giải pháp kết nối quốc tế cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (13/10/2018)
- Thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học (13/10/2018)
- Hội thảo khoa học liên kết xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (03/10/2018)
- Báo cáo chuyên đề “Tổng quan Nông nghiệp thông minh 4.0 trên thế giới và khả năng áp dụng ở Việt Nam” (30/09/2018)
- Thúc đẩy đổi mới, chuyển giao công nghệ (28/09/2018)
- Xây dựng cơ chế hợp tác quốc tế vì mục tiêu phát triển bền vững dựa vào KH&CN và đổi mới sáng tạo (12/09/2018)
- Chính sách mới của Chính phủ về thu hút đầu tư khởi nghiệp sáng tạo từ các nguồn trong và ngoài nước (06/09/2018)
- Ứng dụng đặt xe tải, xe container LOGLAG đoạt Giải Nhất cuộc thi “Hành trình khởi nghiệp – Startup Journey 2018” (25/08/2018)
- Ngày hội Khởi nghiệp Việt Nam mở rộng quy mô quốc tế (25/08/2018)
- 35 dự án khởi nghiệp Việt thành công nhờ được tiếp sức (06/07/2018)
|