Gợi ý đề bài cho Cuộc thi ĐMST ngành Thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2024
30/07/2024
Gợi ý đề bài cho Cuộc thi ĐMST ngành Thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2024
I. Lĩnh vực khai thác
1. Giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm trong khai thác
Mô tả: Tàu cá ở Việt Nam phần lớn là tàu vỏ gỗ, kích thước nhỏ, đóng theo mẫu dân gian nên thường không có các điều kiện tốt để bảo quản sản phẩm sau khai thác. Việc bảo quản sản phẩm đánh bắt trên tàu hiện nay chủ yếu là sử dụng nước đá lạnh, nhiệt độ hầm bảo quản thường dao động trong khoảng 4 – 70C, thời gian bảo quản không quá 10 ngày, trong khi chuyến biển của các tàu đánh bắt xa bờ thường dài ngày do đó dẫn đến chất lượng hải sản bị suy giảm. Ước tính chất lượng hải sản sau khai thác trên các tàu cá ở Việt Nam bị tổn thất khoảng 20 – 35%, trong đó nghề lưới kéo có tỷ lệ tổn thất cao nhất từ 35% – 48%, lưới vây khoảng 18%, lưới rê 23% và câu vàng 23%. Tổn thất sau thu hoạch phụ thuộc rất nhiều vào trình độ sản xuất và công nghệ bảo quản, các nước có nghề cá phát triển như Na Uy, Tây Ban Nha, Mỹ, Úc, Nhật Bản tỷ lệ tổn thất thấp, chỉ vào khoảng 2 – 5%. Do đó, cần nghiên cứu công nghệ, giải pháp để giảm tổn thất, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Các vấn đề cần quan tâm: phương pháp đánh bắt; phân loại, sơ chế hải sản trên tàu; phương pháp bảo quản; công nghệ, thiết bị bảo quản;…
2. Nghiên cứu công nghệ, giải pháp tiết kiệm nhiên liệu
Mô tả: Chi phí nhiên liệu chiếm từ 40 – 60% tổng chi phí của chuyến biển. Phần lớn tàu cá ở Việt Nam sử dụng động cơ máy tàu là các loại máy cũ đã qua sử dụng (máy xe ô tô tải hoặc máy thủy), có hiệu suất thấp, tiêu hao nhiều nhiên liệu. Bên cạnh đó, tàu cá thường sử dụng dầu diezel có chất lượng thấp, lẫn nhiều tạp chất, nhiễm nước, dẫn đến hiệu quả sử dụng nhiên liệu thấp. Giá nhiên liệu ngày càng tăng, làm cho chi phí chuyến biển ngày càng tăng cao. Do đó, cần thiết phải nghiên cứu các giải pháp, công nghệ để tăng hiệu suất hoạt động của máy, làm sạch dầu, tiết kiệm nhiên liệu, để giảm chi phí chuyến biển, nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác của tàu.
3. Nghiên cứu cơ giới hóa trong khai thác hải sản
Mô tả: Cơ giới hóa trong hoạt động khai thác hải sản trên tàu cá ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, trang thiết bị, máy móc thô sơ, các khâu trong quá trình hoạt động khai thác sử dụng nhiều sức người, sử dụng nhiều lao động. Môi trường làm việc trên biển nặng nhọc, khó khăn, nguy hiểm, thu nhập thấp, do đó lực lượng lao động biển ngày càng ít, khó tuyển dụng. Cần thiết phải nâng cao cơ giới hóa các khâu trong hoạt động khai thác trên biển để giảm số lượng lao động; tăng cường sử dụng thiết bị, máy móc; giảm thiểu sức lao động của con người, nâng cao năng suất lao động;…
4. Nghiên cứu công nghệ khai thác phù hợp với đối tượng, loại nghề và ngư trường khai thác
Mô tả: Nghề cá ở Việt Nam là nghề cá đa loài, một nghề đánh bắt nhiều đối tượng hải sản khác nhau, đánh bắt những loài hải sản không mong muốn gây lãng phí nguồn lợi. Cần nghiên cứu những ngư cụ, công nghệ khai thác để đánh bắt chọn lọc đối tượng; loại bỏ và không làm tổn hại đến các đối tượng đánh bắt không mong muốn như cá con, các loài thủy sản quý hiếm cần được bảo vệ; nghiên cứu đánh bắt, lưu giữ, vận chuyển những loài hải sản có giá trị kinh tế cao để nâng cao chất lượng và giá trị; nghiên cứu công nghệ tìm kiếm, dẫn dụ đàn cá; nghiên cứu dự báo ngư trường, xác định ngư trường; nghiên cứu tối ưu hoạt động khai thác, nâng cao năng suất, giảm chi phí,…
5. Nghiên cứu các giải pháp, trang thiết bị đảm bảo an toàn lao động trên tàu cá
Mô tả: Làm việc trên các tàu cá trên biển tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nguy hiểm cho người lao động như: rơi xuống biển, bị thương do các loại máy móc gây ra, bị ngạt do khí độc trong hầm cá. Bên cạnh đó, khi tàu hoạt động trên biển, thủy thủ còn đối mặt với nguy cơ tàu bị chìm do thời tiết xấu, va chạm giữa các tàu, cháy nổ trên tàu,… Do đó, rất cần những giải pháp, trang thiết bị để hạn chế các tai nạn lao động trên tàu; trang thiết bị để cảnh báo các nguy cơ tai nạn, giảm thiểu tai nạn; cảnh báo cháy nổ, cảnh báo va chạm, cảnh báo chìm tàu; trang thiết bị ứng cứu tai nạn;…
6. Phương pháp bảo quản, vận chuyển
Mô tả: Sản phẩm hải sản từ tàu cá phải qua nhiều khâu trung gian để tới được người tiêu dùng dẫn tới kéo dài thời gian bảo quản làm giảm chất lượng; giữa các khâu trung gian, đôi khi sản phẩm được bảo quản bằng các loại hóa chất gây độc hại cho người sử dụng; người tiêu dùng khó tiếp cận được với sản phẩm thủy sản chất lượng cao. Do đó, cần có những giải pháp để rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm khâu trung gian để đưa sản phẩm từ khi khai thác đến với người tiêu dùng nhanh nhất; sản phẩm giữ chất lượng cao; cải tiến công nghệ lưu giữ, bốc dỡ để việc vận chuyển cá từ tàu cá vào thời gian nhanh nhất, ít hư hại nhất, đảm bảo chất lượng.
II. Lĩnh vực chế biến
1. Công nghệ loại bỏ các loại tạp chất trong sản phẩm thủy sản
Mô tả: Các nghiên cứu thay đổi công nghệ trước đây thường chú trọng đến việc phát hiện tạp chất trong sản phẩm như máy dò kim loại, máy X-ray và những máy này thường rất đắt tiền nhưng chỉ làm chức năng “phát hiện” tạp chất chứ không “loại bỏ” tạp chất được. Trong một số trường hợp thì máy cũng không thể phát hiện tạp chất nếu kích thước của tạp chất nhỏ hơn so với tiêu chuẩn phát hiện của máy dò kim loại. Một số loại tạp chất khác như vỏ sò nhỏ, cá tạp, tóc hay các mẫu nilon thì thường được loại bỏ bằng tay và điều này sẽ làm cho chi phí sản xuất tăng lên. Ngày nay, một số công ty của Nhật và Trung quốc đã chế tạo ra được các loại máy để giải quyết khá triệt để dùng trong chế biến thủy sản. Ví dụ (1) máy bắn tạp chất trong sản phẩm của Wesort. Đây là loại máy không những có khả năng phát hiện tạp chất mà còn có khả năng đẩy các loại tạp chất ra ngoài nhằm tiết kiệm chi phí nhân công; (2) máy lựa tạo chất Sumax của Nhật bản có khả năng lựa bốn nhóm tạp chất trong sản phẩm thủy sản như kim loại có kích thước rất nhỏ (máy dò kim loại không phát hiện được), các tạp chất ngoại lai (VD cá nhỏ, sò nhỏ… lẫn trong ruốc khô), tóc và các tạp chất ngoại lai có hình dạng dài nhưng trọng lượng riêng nhẹ, và các loại tạp chất không phải kim loại nhưng có trọng lượng riêng lớn (cát). Giá trị của các máy móc này không quá đắt thậm chí là rẽ hơn nhiều so với máy X-ray nhưng giải quyết được nhiều công năng hơn, tùy theo từng loại sản phẩm. Điều này cho thấy rằng dù là doanh nghiệp nhỏ nhưng biết lựa chọn công nghệ thông minh phù hợp sẽ tạo ra lợi thế lớn cho doanh nghiệp, giúp tiết kiệm nhiều chi phí vận hành và chất lượng sản phẩm an toàn hơn. Các máy móc hiện tại ở Việt Nam không có nhiều.
2. Công nghệ đóng gói trong chế biến thủy hải sản:
Mô tả: Lựa chọn công nghệ đóng gói nhỏ sẽ giúp doanh nghiệp đến gần hơn với người tiêu dùng. Nguyên liệu cho hoạt động chế biến hải sản sẽ ngày càng khan hiếm nên việc sơ chế và xuất khẩu thô sẽ nhanh chóng biến mất trong thời gian tới. Các DN nên chuyển nhanh sang hoạt động sản xuất đóng gói nhỏ, đóng gói từng con, phục vụ cho nhu cầu của từng cá nhân.
3. Công nghệ sấy khô sản phẩm thủy hải sản.
Mô tả: Quá trình sấy khô sản phẩm thủy hải sản đã từng sử dụng như phơi dưới ánh sáng mặt trời, sấy khô bằng than đá, sấy khô bằng điện (điện trở để sinh nhiệt, sấy lạnh và sấy thăng hoa). Ngày nay, người ta có thể thay thế một phần bằng sấy bằng năng lượng mặt trời và trong tương lai thì có thể thay thế hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời. Tìm kiếm các giải pháp sấy sản phẩm thủy sản phù hợp với các loại thủy sản riêng, tiết kiệm năng lượng, đảm bảo các yêu cầu về hương vị, an toàn thực phẩm.
4. Công nghệ xử lý nước thải cho doanh nghiệp chế biến thủy sản.
Mô tả: DN chế biến thủy sản có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (đặc biệt nước, không khí). Gần như tất cả các DN chế biến đều phải có hệ thống xử lý nước thải. Người ta thường quan tâm đến công suất của hệ thống và chuẩn “đầu ra” của nước thải nhưng rất ít người quan tâm đến việc lựa chọn loại công nghệ nào và chi phí vận hành của hệ thống (liên quan chi phí điện năng, chi phí hóa chất). Thực tế thì loại công nghệ và chi phí vận hành sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của DN trong dài hạn.
5. Một số công nghệ khác: sử dụng trong các công đoạn của chế biến cho từng loại hải sản riêng: ví dụ công nghệ bóc, tách mai mực, công nghệ loại chế biến mực xà có thể nâng cao giá trị mực lên nhiều lần… Các công nghệ chế biến các phụ phẩm trong quá trình khai thác, chế biến hải sản.
III. Lĩnh vực Nuôi trồng
Ngành nuôi trồng thủy sản những năm gần đây gặp nhiều khó khăn, các quốc gia sản xuất thủy sản cạnh tranh với Việt Nam dần phát triển công nghệ, giá thành giảm, dẫn đến các sản phẩm thủy sản của Việt Nam mất dần sức cạnh tranh, nghề nuôi cũng mất sức hấp dẫn do giá các nguyên liệu đầu vào chủ yếu nhập khẩu liên tục tăng cao. Ngành nuôi bấp bênh, không ổn định, phụ thuộc nhiều vào các điều kiện thời tiết, nguyên liệu (giống, thức ăn) chủ yếu nhập khẩu, giá bán của các đối thủ cạnh tranh.
Tuy nhiên Việt Nam vẫn có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành nuôi và càng được chú trọng trong khi sản lượng khai thác thủy sản giảm dần. Một số giải pháp các doanh nghiệp đang tìm kiếm để giảm giá thành sản xuất, giảm rủi ro:
1. Công nghệ cho ăn: chi phí thức ăn chiếm trung bình gần 60% giá thành, phương pháp cho ăn tự động giúp tiết kiệm thức ăn, tăng độ hấp thụ có thể giúp giảm giá thành
2. Công nghệ xử lý môi trường: giảm các chi phí thuốc hỗ trợ nuôi, giảm bệnh. Các công nghệ xử lý nước phổ biến: thuốc diệt khuẩn ao nuôi, điện hóa-siêu âm, vi sinh…. DN tìm kiếm các giải pháp giảm chi phí, tăng hiệu quả xử lý môi trường
3. Các công nghệ chống biến đổi khí hậu: nuôi không phụ thuộc mùa vụ, vật liệu lồng bè, công nghệ nuôi biển sâu…
4. Các giải pháp về đầu ra: giải pháp sản phẩm mới, phát triển thị trường mới, giải pháp liên kết từ ngành nuôi tới chế biến.
IV. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cho nghề cá
1. Hệ thống Quản lý và Giám sát Tàu Cá Thông Minh
Phát triển hệ thống giám sát hành trình tàu cá bằng công nghệ GPS và IoT, giúp theo dõi vị trí, tốc độ, và hoạt động của tàu cá theo thời gian thực. Hệ thống này cũng có thể cảnh báo khi tàu vượt qua ranh giới đánh bắt hợp pháp hoặc gặp sự cố.
2. Ứng dụng Truy xuất Nguồn gốc Thủy sản
Xây dựng ứng dụng di động cho phép người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản từ khâu nuôi trồng, thu hoạch, chế biến đến khi đến tay người tiêu dùng. Điều này giúp tăng tính minh bạch và tin cậy của sản phẩm trên thị trường.
3. Nền tảng Thương mại Điện tử cho Thủy sản
Phát triển nền tảng thương mại điện tử chuyên biệt cho ngành thủy sản, kết nối trực tiếp người nuôi trồng, nhà chế biến và người tiêu dùng. Nền tảng này có thể tích hợp các công cụ thanh toán điện tử và dịch vụ vận chuyển.
4. Hệ thống Quản lý Nuôi trồng Thủy sản Bằng IoT
Sử dụng các cảm biến IoT để giám sát các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ pH, oxy hòa tan trong nước, giúp tối ưu hóa điều kiện nuôi trồng và giảm thiểu rủi ro.
5. Ứng dụng Dự báo và Cảnh báo Thời tiết Biển
Phát triển ứng dụng cung cấp thông tin dự báo thời tiết biển và cảnh báo sớm về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, giúp ngư dân lập kế hoạch hoạt động an toàn và hiệu quả hơn.
6. Quản Lý Sức Khỏe và Sinh Sản của Cá
Mô tả: Phát triển các công nghệ giám sát và quản lý sức khỏe, sinh sản của cá trong các trại nuôi. Sử dụng cảm biến và phân tích dữ liệu để phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe và tối ưu hóa quy trình nuôi trồng.
7. Bảo Vệ Môi Trường Biển và Phòng Ngừa Ô Nhiễm
Mô tả: Sáng tạo các giải pháp công nghệ để bảo vệ môi trường biển, kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm từ hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Sử dụng công nghệ sinh học và các hệ thống lọc, xử lý nước tiên tiến.
8. Các giải pháp khác về quản lý cho ngành thủy sản sử dụng cho các cơ quan nhà nước trong việc quản lý
Chi tiết liên hệ
Thường trực Ban Tổ chức Cuộc thi:
Văn phòng Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Địa chỉ: Số 379 đường Hà Huy Tập, P. Phước Trung, Tp. Bà Rịa, tỉnh BR-VT.
Điện thoại: (0254) 3510.874 / 0918.033.272 | bantochucficbrvt@gmail.com
Website: https://startup-brvt.vn/
Fanpage: https://www.facebook.com/Ficbariavungtau
Thể lệ + Biểu mẫu hồ sơ dự thi có thể tải về tại đây:
Form đăng ký trực tuyến: http://startup-brvt.vn/FIC2024
Nguồn:
Văn phòng Thúc đẩy Khởi nghiệp ĐMST tỉnh
Số lượt đọc:
663
Về trang trước
Về đầu trang
Các tin khác
- Thứ trưởng Khoa học: Hệ sinh thái khởi nghiệp cần đi vào thực chất (21/06/2018)
- Thí điểm phương án nâng cao tính năng sáng tạo, khởi nghiệp tại KCNC Đà Nẵng (18/04/2018)
- Khởi nghiệp trong nông nghiệp: Lấy đổi mới, sáng tạo làm nền tảng (16/04/2018)
- Hiểu rõ khách hàng với mô hình AARRR cho Start Up (16/04/2018)
|