Vậy, Apna là công ty nào? Quá trình phát triển ra sao đưa startup này từ con số 0 tới 1.1 tỷ USD chỉ trong chưa đầy 2 năm? Hãy cùng ThinkZone tìm hiểu trong bài viết này nhé.
---
Subscribe Newsletter và đồng ý nhận thông báo trên website của ThinkZone để không bỏ lỡ những bài viết bổ ích mỗi tuần!
---
APNA LÀ GÌ?
Thành lập từ 2019, Apna là nền tảng mang tới các giải pháp hướng nghiệp và tìm việc cho blue-collar worker tại Ấn Độ, với 3 nhánh sản phẩm chính:
➤ Tìm việc: Nền tảng tuyển dụng cho blue-collar worker với các nhà tuyển dụng, giúp nhà tuyển dụng chỉ mất dưới 5 phút để đăng tải việc làm, và có ứng viên phù hợp chỉ trong 2 ngày.
➤ Cộng đồng: Nền tảng xã hội kết nối các blue-collar worker với nhau, hiện đã có hơn 70 cộng đồng nghề được thành lập và hoạt động tích cực trên Apna mỗi ngày.
➤ Đào tạo: Các nội dung/ khóa học hướng nghiệp cho blue-collar worker.
Với 3 nhánh sản phẩm này, Apna hướng tới xây dựng một cộng đồng hàng chục tới hàng trăm triệu blue-collar worker tại Ấn Độ, nơi mọi người có thể kết nối với nhau, cải thiện kỹ năng nghề nghiệp, và tìm kiếm cơ hội làm việc.
Apna hướng tới đối tượng người dùng mục tiêu là blue-collar worker, tức những người lao động làm công việc chân tay như thợ làm tóc, thợ mộc, shipper, thợ sửa chữa,...
Tại Ấn Độ, đây là lực lượng chiếm cơ cấu rất lớn trong lực lượng lao động, ước tính khoảng 300 triệu người (số liệu năm 2021). Đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng do Covid, số lượng người lao động mất việc tại Ấn Độ tăng mạnh, tạo nên nhu cầu tìm việc và cơ hội thị trường lớn cho một sản phẩm giải quyết vấn đề tìm việc như Apna.
Một điều thú vị của Apna là ứng dụng này chỉ có phiên bản Android và không hề có bản iOS, rút ra từ thực tế thu nhập thấp của blue-collar worker tại Ấn Độ không cho phép họ mua các thiết bị chi phí cao của Apple như iPhone hay iPad.
NHỮNG SỐ LIỆU TRONG MƠ CỦA APNA
Trước khi đi cụ thể vào hành trình tới kỳ lân của Apna, chúng ta hãy cùng đi qua những số liệu ấn tượng khiến startup này thực sự đáng chú ý. Tính tới tháng 9/2021, Apna đã đạt được:
➤ 16 triệu users
➤ 150,000+ nhà tuyển dụng (với retention rate tới 95%)
➤ 5 triệu công việc (active jobs)
➤ 18 triệu cuộc phỏng vấn tuyển dụng mỗi tháng
➤ 70+ cộng đồng người lao động
➤ Hoạt động tại 28 thành phố trên khắp Ấn Độ
Tổng số user của Apna theo thời gian. Đơn vị: triệu người.
Chúng ta càng ấn tượng hơn khi nhìn vào lịch sử gọi vốn của Apna, với tổng vốn đã gọi là 193.5 triệu USD.
Time | Round | Money raised | Lead investors |
Sep, 2021 | Series C |
$100M ($1.1 bil valuation) |
Tiger Global Management |
June, 2021 | Series B |
$70M ($560M valuation) |
Insight Partners, Tiger Global Management |
Mar, 2021 | Series A | $12.5M | Sequoia Capital India |
Sep, 2020 | Series A | $8M | Lightspeed India Partners, Sequoia Capital India |
Jul, 2019 | Seed | $3M | Sequoia Capital India |
Đó là những con số đầy ấn tượng của Apna, và ngay sau đây ta sẽ cùng tìm hiểu xem hành trình đó được thực hiện như thế nào.
***
FOUNDER CỦA APNA LÀ AI?
Founder của Apna là Nirmit Parikh, tốt nghiệp Đại học Nirma tại Ahmedabad với chuyên ngành kỹ sư.
Ngay từ tuổi 19, Nirmit đã mở một công ty công nghệ tên là Incone Technologies, trong đó ông xây dựng cơ chế tự động cho cửa tại các con đập, xuất phát từ vấn đề lũ lụt hàng năm tại quê hương mình. Sau đó, Nirmit sáp nhập Incone với công ty của gia đình, đem đến giải pháp chống lũ với hệ thống AI dự đoán lũ và theo dõi mực nước trong các hồ chứa.
3 năm sau đó, Nirmit tiếp tục thành lập 1 công ty là Cruxbot, sau đó được mua lại bởi 1 công ty khác là Kno Inc, 1 startup từ Silicon Valley. Rồi chính Kno Inc lại được mua lại bởi Intel, và thương vụ M&A này đã đưa Nirmit từ Silicon Valley, trở thành một giám đốc tại Intel Education. Tại đây, năm 26 tuổi, ông học thêm khóa MBA của Đại học Stanford, rồi làm việc tại Apple, nơi ông tích lũy thêm kinh nghiệm làm chiến lược và phần mềm.
Rời Apple, Nirmit quyết định quay về quê hương Ấn Độ để khởi nghiệp.
HÀNH TRÌNH TỚI KỲ LÂN CỦA APNA
Hành trình như trong mơ của Apna được vẽ nên bởi một founder tài năng, hiểu khách hàng, khao khát giải quyết vấn đề lớn trong xã hội, cùng một hướng tiếp cận thị trường phù hợp.
Hiểu người lao động thật rõ, và không đi theo lối mòn của các nền tảng tìm việc khác
Theo founder Nirmit Parikh, cái tên Apna xuất phát từ Apna Time Aayega, một bài hát nổi tiếng tại Bollywood, với thông điệp chính là giải quyết trở ngại lớn của người công nhân trong việc tìm kiếm những cơ hội làm việc phù hợp.
Tuy nhiên, một nền tảng tìm kiếm việc làm thôi là không đủ, và đã được minh chứng bằng thất bại của nhiều công ty trên thị trường (theo chia sẻ của quỹ Sequoia Capital khi đầu tư vào Apna). Các nền tảng tìm việc luôn phải đối mặt với bài toán liên tục đốt tiền để thu user, khi mà người dùng cứ đến rồi rời đi, bởi mỗi người thường chỉ có nhu cầu tìm việc 1-2 lần/ năm.
Đội ngũ Apna tiếp cận thị trường theo một hướng mới hơn, và user-centric hơn rất nhiều.
Đầu năm 2019, founder Nirmit từng trực tiếp đi làm thuê với vai trò công nhân tại một nhà máy sản xuất tại Ahmedabad, rồi làm cả thợ sửa điện, đốc công, nhân viên kho bãi,... để có thể trực tiếp sống và hiểu cuộc sống, nhu cầu của những blue-collar worker tại Ấn Độ. Qua thời gian này, Nirmit nhận ra một insight rằng người lao động cần nhiều hơn là chỉ một nền tảng tìm việc: họ còn cần một nền tảng để có thể kết nối, trao đổi và học hỏi từ những người lao động khác giống mình.
Đó chính là lý do Nirmit quyết định tiếp cận thị trường với việc xây dựng các cộng đồng blue-collar worker trong nhiều ngành nghề khác nhau, từ telesales, thợ làm tóc, thợ mộc, thợ cơ khí,.. và tới nay đã có hơn 70 cộng đồng như vậy được thành lập trên Apna.
Sự hưởng ứng và lan rộng của các cộng đồng đã kiểm chứng Product - Market Fit (PMF) cho nhánh sản phẩm này. Cho tới nay, hàng ngày Apna vẫn luôn giữ một đội ngũ 30 người trò chuyện cùng hơn 1,000 user để hiểu nhu cầu và xây mối liên hệ gần gũi với họ, thể hiện rõ tính user-centric trong tư duy làm sản phẩm và kinh doanh của startup này.
➤ Tìm hiểu thêm về PMF qua bài viết: “Từ 0 tới Product - Market Fit, rồi tới scale-up”
Quy trình test, tối ưu và phát triển sản phẩm thần tốc
Ngay từ những ngày đầu, Nirmit đã xây dựng một văn hóa xuyên suốt công ty xoay quanh việc liên tục test và tối ưu, để tạo nên một sản phẩm số có thể scale và luôn được mọi user yêu quý (“a scalable, digital-only product loved by its users”).
Trước khi đạt PMF, team Apna đã từng tạo tới 30 phiên bản khác nhau cho app, test từng tính năng với các chỉ số rõ ràng, rồi chắt lọc những tính năng mang lại chỉ số tương tác cao nhất của user. Quá trình này được triển khai nhanh chóng chỉ trong vài tháng cho tới khi sản phẩm đạt PMF.
Các feedback thu được từ khâu tương tác hàng ngày với user cũng được cân nhắc kỹ càng để cải thiện sản phẩm. Từng địa phương mà Apna nhắm tới, startup này đều nghiên cứu kỹ ngôn ngữ, hành vi của người lao động tại đó, và sử dụng AI để tự động điều chỉnh các nội dung trên app nhằm tạo nên trải nghiệm tốt nhất, phù hợp nhất với văn hóa từng vùng.
Các quy trình trong công ty cũng được chuẩn hóa, khiến việc mở rộng Apna sang các thành phố khác chỉ mất ... không quá 1 tuần!
Tìm đúng người trong đúng giai đoạn
Với mỗi giai đoạn phát triển khác nhau, founder của Apna vạch ra những tiêu chí rõ ràng cho những nhân sự mà mình tìm kiếm. Cụ thể, Nirmit chia giai đoạn phát triển và tiêu chí nhân sự như sau:
➤ Từ 0 đến 1 (trước PMF): Ở giai đoạn này, Apna tìm kiếm thành viên là những người có chuyên môn trong mảng mình phụ trách, nhưng đồng thời cũng phải hiểu thật rõ về khách hàng mục tiêu của Apna (là những blue-collar worker và các công ty tuyển dụng họ), nhằm cải tiến sản phẩm và đạt PMF thật nhanh.
➤ Từ 1 đến 10 (sau PMF): Giai đoạn này Apna bắt đầu scale, và những nhân sự được tìm kiếm là những leader về vận hành và chiến lược kinh doanh với kinh nghiệm đã từng triển khai việc scale-up sang các lĩnh vực khác, nhằm giúp công ty có một bộ máy vận hành ổn định, sẵn sàng cho quá trình scale cùng một chiến lược scale hợp lý.
➤ Từ 10 đến 100 (scale mạnh mẽ): Trong giai đoạn này, Apna sẽ tìm kiếm những nhân sự với chuyên môn về scale với kinh nghiệm đã từng scale nhiều sản phẩm đạt quy mô quốc tế.
MÔ HÌNH KINH DOANH CỦA APNA
Đọc đến đây bạn hẳn sẽ tự hỏi, với lượng vốn đầu tư nhiều như vậy, với lượng tiền được đốt để acquire user nhiều như vậy, doanh thu của Apna đến từ đâu, và là bao nhiêu để bù đắp cho lượng chi phí khổng lồ đó.
Và câu trả lời, đầy bất ngờ, đó là Apna chưa hề có doanh thu.
Đúng vậy. Dù đã trở thành kỳ lân nhưng Apna vẫn đang ở giai đoạn pre-money. Chia sẻ về khía cạnh này, founder Nirmit Parikh nói rằng Apna đang chạy một số test để thử nghiệm các phương án thu phí khác nhau từ lượng người dùng khổng lồ của Apna, và sẽ chính thức triển khai chính sách thu phí vào năm 2022. Một trong những phương án thu phí mà Apna đang thử nghiệm là thu phí trên các cuộc phỏng vấn tuyển dụng, và vẫn giữ các dịch vụ khác miễn phí như đăng tin tuyển dụng hay đăng ký khóa học hướng nghiệp.
Hiện tại, startup này vẫn đang tập trung vào việc tận dụng 100 triệu USD mới huy động cho mục tiêu mở rộng thị trường tới 300 thành phố tại Ấn Độ, và bắt đầu gia nhập một số thị trường khác tại Đông Nam Á và châu Phi.
TỔNG KẾT
Trên đây là tổng quan về Apna, startup có tốc độ trở thành kỳ lân nhanh nhất Ấn Độ dù chưa có một đồng doanh thu nào.
Dẫu việc liên tục đốt tiền mà chưa có doanh thu luôn đi kèm với rủi ro lớn rằng startup có thể hết tiền mà chưa kịp tạo được nguồn doanh thu ổn định, tuy nhiên với năng lực của team Apna đã được phân tích ở trên, cùng lượng user khổng lồ mà Apna đang có, việc kiếm tiền từ sản phẩm này có lẽ không phải bài toán khó khăn (theo nhận định của chính founder Nirmit).
Liệu Apna sẽ còn phát triển thế nào trong thời gian tới? Và có mô hình tương tự có thể phát triển ở Việt Nam hay không? Chúng ta hãy cùng chờ xem nhé!
- Các nước ASEAN chia sẻ kinh nghiệm triển khai 5G (15/12/2023)
- Nvidia nổi lên là nhà đầu tư hàng đầu vào các startup AI (12/12/2023)
- Bộ Thông tin và Truyền thông vinh danh hơn 40 giải pháp công nghệ số Make in Vietnam 2023 xuất sắc (11/12/2023)
- Kỳ vọng của các startup AI Việt sau cam kết của Nvidia (11/12/2023)
- Chính phủ tạo mọi điều kiện, môi trường thuận lợi nhất cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (26/11/2023)
- Sản phẩm startup Việt Nam có cơ hội lớn xuất khẩu sang thị trường Mỹ (15/11/2023)
- Sản phẩm startup Việt Nam có cơ hội lớn xuất khẩu sang thị trường Mỹ (15/11/2023)
- Cơ hội và thách thức đối với hoạt động khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam (01/10/2023)
- "Người trẻ Việt Nam ngày càng muốn khởi nghiệp để kiếm nhiều tiền nhưng… chỉ 3-5% thành công”, tại sao vậy? (24/09/2023)
- Đừng khởi nghiệp nếu bạn có những tư tưởng sai lệch như dưới đây (30/08/2023)
|