Để giúp công ty có thể tiếp tục hoạt động, Bird hiện đã đảm bảo được khoản tài trợ trị giá 25 triệu USD từ MidCap Financial - đơn vị cho vay thương mại của Apollo Global Management và một số cá nhân tín dụng khác. Michael Washinushi hiện đã được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành tạm thời của Bird.
Bird, có trụ sở tại Miami, cách đây 1 năm đã cảnh báo các nhà đầu tư rằng nếu không sớm huy động được tiền mặt, công ty sẽ không thể “tiếp tục hoạt động liên tục”. Các công ty khởi nghiệp khác trong lĩnh vực này cũng gặp vô số khó khăn.
Chẳng hạn, Micromobileity.com, trước đây gọi là Helbiz, đã bị hủy niêm yết trên sàn Nasdaq. Một đối thủ khác, Tier Mobility, cũng triển khai một đợt sa thải diện rộng vào tháng trước.
Bird từ lâu đã định vị mình là một startup giúp các thành phố trở nên xanh hơn. Công ty được thành lập vào năm 2017 và ngay lập tức mở rộng quy mô nhanh chóng - một phần nhờ sự giúp đỡ của nhà đầu tư tên tuổi như Sequoia Capital và Accel Partners. Sau khi huy động được hơn nửa tỷ USD từ quỹ đầu tư mạo hiểm, Bird ra mắt công chúng vào năm 2021 dưới hình thức sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC).
Do kết quả kinh doanh không mấy tích cực, khoản lỗ của Bird ngày càng phình to, cuối cùng đẩy công ty rơi vào cảnh bị hủy niêm yết. Chính lãnh đạo của Bird cũng thừa nhận rằng họ đã phóng đại doanh thu trong hơn 2 năm. Người sáng lập Travis VanderZanden thì bất ngờ rời đi vào tháng Sáu.
Trước đó, Bird với những chiếc xe scooter 2 bánh nhỏ gọn có thể được tìm thấy tại hơn 350 thành phố, từ Rome đến San Francisco. Công ty lưu ý rằng hoạt động kinh doanh ở Canada và châu Âu không nằm trong diện phá sản và sẽ tiếp tục hoạt động như bình thường.
Khách hàng có thể giữ chỗ 1 chiếc xe điện scooter cho mình thông qua ứng dụng trên smartphone và thuê chúng với một mức phí tương đối nhỏ. Khi không cần sử dụng nữa, họ có thể bỏ lại chiếc xe điện ở bất kỳ đâu.
Tuy nhiên, đã có rất nhiều lời phàn nàn về việc scooter cho thuê bị bỏ lại bừa bộn trên vỉa hè và công viên. Paris cấm cho thuê scooter trong năm nay, song vẫn cho phép người dân sử dụng xe tay ga điện dưới dạng sở hữu tư nhân.
Được biết, Bird được thành lập bởi Travis VanderZanden, cựu nhân viên của Uber. Ý tưởng cho thuê xe điện không quá mới mẻ, song đa phần các startup trong lĩnh vực này đều phải giải quyết một bài toán, đó là tạo ra thật nhiều điểm trông giữ xe cho khách hàng tiện thuê cũng như trả xe. Bird đã giải quyết bài toán này bằng một cách khá thú vị, đó là không xây một điểm trông giữ xe nào cả. Khách hàng sau khi kết thúc chuyến đi của mình có thể bỏ lại xe và rời đi ngay lập tức.
VanderZanden cho biết ông đặc biệt hứng thú với phương tiện giao thông từ nhỏ, khi còn sống tại bang Wisconsin - nơi mẹ ông làm nghề lái xe bus. Ông đã chứng kiến cảnh mọi người vất vả lao đến các điểm dừng xe vào phút chót để tới chỗ làm hoặc về nhà.
“Thị trường đang còn thiếu phân khúc này và đây sẽ là cơ hội vô cùng lớn”, VanderZanden nói. “Chúng tôi phấn khích khi có thể giúp các phương tiện chạy điện chặng ngắn hiện diện trên mọi nẻo đường”.
Lý giải vì sao chọn scooter chứ không phải xe đạp, VanderZanden cho biết: “Tôi cho rằng xe đạp đã chết. Khi di chuyển từ điểm A đến điểm B, đa số mọi người không muốn đạp xe vì sợ ra mồ hôi”.
Thời kỳ đỉnh cao, Bird có hàng nghìn scooter tại 7 thành phố lớn của Mỹ, bao gồm Santa Monica, Venice, San Diego, San Jose, San Francisco, Austin, và Washington DC. VanderZanden cho biết cứ mỗi 5 phút đi bộ, người ta sẽ lại thấy 1 chiếc scooter của Bird.
Thị trường chia sẻ scooter điện ngày đó cạnh tranh vô cùng khốc liệt và tốn kém. Cả hai startup gọi xe lớn tại Mỹ là Uber và Lyft khi ấy đều muốn gia nhập thị trường này. Uber đã mua lại công ty chia sẻ xe đạp điện Jump, trong khi Lyft ấp ủ kế hoạch ra mắt dịch vụ chia sẻ scooter điện.
Mô hình tạo ra nhiều sự tiện lợi, song lại khiến nhiều thiết bị đứng trước rủi ro bị hư hỏng hoặc mất cắp. Chỉ riêng ở Los Angeles, các vụ trộm cắp xe tay ga điện tử đã tăng gấp đôi vào năm 2022 dù hầu hết liên quan đến tài sản cá nhân, theo thống kê từ Sở cảnh sát Los Angeles.
Ngoài ra, số vụ tai nạn do scooter điện gây ra cũng tăng theo thời gian. Tính riêng tại Paris vào năm 2022, có 3 người tử vong và 459 người bị thương do tai nạn scooter điện, tăng so với 2 năm trước đó.
“Năm 2019, khi con tôi được 7 tuần tuổi, vợ tôi đã bị một chiếc scooter điện đi sai làn đâm phải. Chúng tôi suýt chút nữa đã mất con. Sau chuyện này, với tư cách là một công dân, một tình nguyện viên, chúng tôi muốn người dân nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của xe scooter điện”, ông Arnaud Kielbasa, đại diện Hiệp hội giúp đỡ nạn nhân tai nạn xe scooter điện, cho biết.
“Tôi nhất trí cấm scooter điện tại Paris vì tôi nghĩ loại phương tiện này dễ gây tai nạn cho cả người sử dụng lẫn khách bộ hành. Là bác sĩ, tôi đã gặp nhiều ca tai nạn đường bộ do scooter điện gây ra, tôi đã thấy rõ ảnh hưởng tiêu cực của nó”, bà Audrey Cordier, người dân thành phố Paris, Pháp, nói.
Theo: The New York Times, Bloomberg
- Thứ trưởng Khoa học: Hệ sinh thái khởi nghiệp cần đi vào thực chất (21/06/2018)
- Thí điểm phương án nâng cao tính năng sáng tạo, khởi nghiệp tại KCNC Đà Nẵng (18/04/2018)
- Khởi nghiệp trong nông nghiệp: Lấy đổi mới, sáng tạo làm nền tảng (16/04/2018)
- Hiểu rõ khách hàng với mô hình AARRR cho Start Up (16/04/2018)
|