Trong thời gian qua, hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam đã cải thiện tích cực về điểm số và thứ hạng và luôn đạt trên mức trung bình. Điều này cho thấy, kết quả của việc cải thiện môi trường kinh doanh và các chính sách khuyến khích khởi nghiệp ở Việt Nam đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội trong hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, nước ta cũng đối diện với không ít khó khăn, thách thức cần giải pháp khắc phục trong thời gian tới, để tạo động lực cho cac doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển bền vững.
Giới thiệu
Theo từ điển tiếng Việt, khởi nghiệp là việc bắt đầu tạo lập một công việc kinh doanh mới (Hoàng Phê, 2010). Ở Việt Nam, khởi nghiệp được hiểu là bắt đầu công việc kinh doanh, buôn bán nhỏ, từ các ngành nghề truyền thống như bán bánh mì, xôi, chè... và không cần đăng ký kinh doanh cho đến thành lập một doanh nghiệp (DN) sáng tạo công nghệ.
Tuy nhiên, quan điểm của khoa học hiện đại thì khởi nghiệp phải gắn liền với việc hình thành một DN mới, có tư cách pháp nhân và dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, để mang lại sự đổi mới sáng tạo. Do vậy, thuật ngữ khởi nghiệp được cộng đồng quốc tế công nhận là việc thành lập một DN mới gắn liền với đổi mới sáng tạo và dựa trên nền tảng khoa học công nghệ.
Nhà kinh tế học Mỹ Drucker, P.F cho rằng: Tinh thần doanh nhân khởi nghiệp là hành động của doanh nhân khởi nghiệp - người tiến hành việc biến những cảm nhận nhạy bén về kinh doanh, tài chính và sự đổi mới thành những sản phẩm hàng hóa kinh tế. Kết quả của những hành động này tạo nên những tổ chức mới hoặc góp phần tái tạo những tổ chức đã “già cỗi”. Hình thức rõ ràng nhất của tinh thần doanh nhân khởi nghiệp là bắt đầu xây dựng những DN mới (Drucker, P.F., 1999).
Tinh thần khởi nghiệp có một vị trí xã hội quan trọng bởi tinh thần này được doanh nhân có ham muốn tìm hiểu nhu cầu của khách hàng tiềm năng. Đây là nhân tố quan trọng của xã hội đương thời (Bellotti và cộng sự, 2014).
Theo nhóm nghiên cứu Nabi và Holden (2008), khởi nghiệp thể hiện quan điểm cá nhân đối với lựa chọn nghề nghiệp, suy nghĩ và hành động hướng tới việc thành lập một DN mới.
Trong khuôn khổ nghiên cứu này, khởi nghiệp được hiểu là việc một cá nhân tự đứng ra làm chủ hoặc đồng làm chủ gây dựng một DN mới dựa trên áp dụng hoặc áp dụng sáng tạo khoa học công nghệ để mang lại sự đổi mới sáng tạo và được gọi là doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN) sáng tạo (Zhang và Yang, 2006).
Điều 3 Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ năm 2017 quy định: Khởi nghiệp sáng tạo là thành lập DN mới để khai thác ý tưởng sáng tạo. Các ý tưởng sáng tạo có thể là tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh ở sản phẩm, quy trình sản xuất - kinh doanh, tổ chức hay tiếp thị. Đây chính là nhóm DN khởi nguồn đổi mới sáng tạo trong kinh doanh và cũng là cầu nối đưa các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ vào thực tiễn cuộc sống.
Bài viết nghiên cứu thực trạng hoạt động khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam; đồng thời, đánh giá những rào cản và lợi thế đối với hoạt động khởi nghiệp như các chính sách của Nhà nước hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp; văn hoá và quan điểm của xã hội đối với hoạt động khởi nghiệp. Qua đó, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.
Thực trạng khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam
Bắt đầu từ năm 2016, hai từ “khởi nghiệp” lần đầu tiên xuất hiện trong dự thảo văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 và trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ (Nguyễn Thanh Hương, 2022). Cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam đã đạt được thành công với các công ty thế hệ thứ nhất được thành lập vào đầu những năm 2000; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thế hệ thứ hai hình thành khoảng năm 2010, trong giai đoạn 2016 - 2022, các công ty thế hệ thứ ba đã xuất hiện trong các lĩnh vực công nghệ giáo dục, nông nghiệp, dịch vụ y tế, công nghệ tài chính và thương mại điện tử (Bộ Khoa học và Công nghệ, 2017).
Báo cáo "Những người khổng lồ mới nổi ở châu Á -Thái Bình Dương 2022" do Ngân hàng HSBC và Công ty KPMG công bố, Việt Nam là một trong các quốc gia có môi trường khởi nghiệp non trẻ và năng động bậc nhất châu Á. Báo cáo "Toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam" năm 2022 cho biết, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã nhảy từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 trong số 6 nền kinh tế top đầu ASEAN, chỉ sau Indonesia và Singapore.
Sự tăng trưởng được thể hiện cụ thể qua cả tỷ lệ vốn rót vào thị trường và số lượng các nhà đầu tư, quỹ đầu tư khởi nghiệp đang hoạt động. Trong đó, các ngành hàng: Thương mại điện tử, công nghệ tài chính, công nghệ y tế, công nghệ giáo dục, truyền thông trực tuyến và các giải pháp số cho DN được dự báo sẽ tạo bứt phá trong thu hút đầu tư (Lê Đỗ, 2022).
Theo Cục Phát triển thị trường và DN khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Việt Nam có khoảng 3.800 công ty khởi nghiệp và 11 công ty khởi nghiệp được định giá trên 100 triệu USD. Hiện nay, có hơn 200 quỹ đầu tư đang hoạt động ở Việt Nam và hơn 100 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, cơ sở ươm tạo (ictvietnam.vn, 2022). Hiện tại, Việt Nam có 4 kỳ lân (định giá trên 1 tỷ USD) gồm: VNG, VNPay, Momo và Sky Mavis. Năm 2021, vốn đầu tư vào startup đạt mốc kỷ lục gọi vốn 1,35 tỷ USD, qua đó đưa Việt Nam trở thành thung lũng khởi nghiệp hấp dẫn bậc nhất trong khu vực ASEAN. Đơn cử như: Thương vụ gây ấn tượng mạnh với thị trường là việc Tiki gọi vốn thành công 258 triệu USD.
Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam tiếp tục có xu hướng cải thiện về điểm và thứ hạng, và luôn đạt trên mức trung bình. Điều này cho thấy, kết quả của việc cải thiện môi trường kinh doanh và các chính sách khuyến khích khởi nghiệp ở Việt Nam trong thời gian qua (VCCI, 2019). Các lĩnh vực startup phát triển đa lĩnh vực. Tuy nhiên, có một mẫu số chung đó là các công ty khởi nghiệp có đặc điểm lấy công nghệ là nền tảng và có những mô hình phát triển sáng tạo mang tính đột phá.
Do vậy, không thể phủ nhận startup về công nghệ hiện nay vẫn đang chiếm ưu thế đi đầu trong các DNKN nói chung. Thực tế này phản ánh đúng xu hướng phát triển trong điều kiện Cách mạng công nghiệp 4.0 với các đặc điểm: DNKN trong lĩnh vực công nghệ thông tin không cần quá nhiều vốn đầu tư ban đầu như nhiều lĩnh vực truyền thống khác; Phát triển chủ yếu dựa trên ý tưởng mới và cách làm mang tính sáng tạo cao, có khả năng tăng trưởng nhanh; Khả năng dễ dàng kết nối toàn cầu qua công nghệ giúp cho các ý tưởng sáng tạo tốt dễ dàng đến được với thế giới và ngược lại, DN cũng dễ dàng học hỏi được từ các mô hình thành công khác của quốc tế (KOCCA, 2021).
Các nhà đầu tư thiên thần trong nước và quốc tế là nguồn đầu tư chính cho các DNKN ở Việt Nam. Theo Trung tâm Đổi mới Sáng tạo quốc gia, năm 2022 Việt Nam có 134 thương vụ đầu tư với tổng số vốn là 634 triệu USD (giảm 56% so với năm 2021). Với kết quả này, Việt Nam đứng thứ ba về số thương vụ và thứ tư về quy mô vốn vào DNKN tại Đông Nam Á. Trong các lĩnh vực gọi vốn nhiều nhất, dịch vụ tài chính có số vốn tăng 248% so với năm 2021, dịch vụ bán lẻ đứng thứ hai mặc dù số vốn đầu tư vào lĩnh vực này giảm 57%, sau đó là lĩnh vực y tế và giáo dục. Theo Quỹ Đầu tư mạo hiểm Do Venture, các DNKN đã huy động được vòng Pre-A và Series A (gọi vốn từ 10-50 triệu USD) có xu hướng tăng trưởng. Các quỹ Việt Nam dẫn đầu quy mô rót vốn (tổng số vốn 287 triệu USD), tiếp theo là Singapore, Bắc Mỹ và Hàn Quốc.
Cơ hội và thách thức đối với hoạt động khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam
Cơ hội
Các công ty và nhà đầu tư thường cởi mở và năng động trong việc tìm kiếm nguồn vốn. Ngày càng nhiều công ty quỹ trong nước bắt đầu xuất hiện và đóng vai trò lớn trong việc kết nối, tạo điều kiện, bảo vệ nguồn vốn đầu tư cho các đơn vị khởi nghiệp (Phan Trang, 2023). Xã hội có thái độ tích cực đối với khởi nghiệp.
Mặc dù tồn tại văn hóa sợ thất bại, nhưng thái độ xã hội có ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần khởi nghiệp và quyết định khởi nghiệp của người dân, đặc biệt là giới trẻ. Các chính sách pháp luật của Việt Nam ảnh hưởng trực tiếp đến việc tạo dựng văn hóa khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Thực tế cho thấy, những quốc gia có thái độ tích cực và ủng hộ tinh thần khởi nghiệp sẽ có mức độ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cao hơn. Quyền tự do thành lập DN được bảo đảm, hệ thống pháp luật và thể chế thị trường xác lập và tôn trọng đầy đủ quyền sở hữu và quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam được nhận định tốt hơn so với các quốc gia trong khu vực ASEAN.
Môi trường kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh ổn định với chi phí thấp. Trong những năm qua, Luật DN được sửa đổi, bổ sung theo hướng cải cách, mang lại luồng sinh khí mới cho môi trường kinh doanh. Cùng với đó là các chính sách như: Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ đã góp phần đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam; Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ ngày 21/4/2023 về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ DN chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Những chính sách này được đánh giá là sẽ tác động mạnh mẽ đến tinh thần khởi nghiệp của người dân và DN.
Bên cạnh đó, giáo dục khởi nghiệp ở trường đại học bắt đầu được chú trọng đúng mức và các chương trình đào tạo về khởi nghiệp bắt đầu đi vào thực tiễn, nâng cao tính thực tiễn. Nhiều trường đại học có chương trình đào tạo khởi nghiệp bắt buộc đối với sinh viên một số ngành như Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Trong hơn 10 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Chẳng hạn như: Việc đưa kết quả nghiên cứu và phát triển ra thị trường của các tổ chức công và tư như Quỹ Phát triển Khoa học và công nghệ quốc gia hay Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia đã góp phần hình thành các DNKN từ ứng dụng kết quả nghiên cứu. Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa quy định cụ thể nội dung hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp.
Hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia tập trung vào việc phát triển các công ty năng động, tăng trưởng nhanh dựa trên việc sử dụng tài sản trí tuệ, công nghệ và mô hình kinh doanh mới. Khung pháp lý cho đầu tư vào khởi nghiệp để xây dựng cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, mạng lưới các nhà đầu tư và cố vấn khởi nghiệp, cũng như thúc đẩy sự tương tác giữa các bên liên quan chính.
Bên cạnh đó, Chính phủ đang từng bước hoàn thiện một số chính sách khuyến khích đầu tư cho DNKN, thể hiện cam kết cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp.
Chính phủ đã ban hành các chính sách, trong đó có Đề án thúc đẩy Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về khởi nghiệp hay xã hội hoá khởi nghiệp như Đề án 844 “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; Nghị định số 13/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ, hay Chỉ thị số 09/CT-TTg về việc tạo điều kiện cho DNKN sáng tạo ngày 18/2/2020; Quyết định số 897/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2022 - 2030; hay Thông tư số 16/2022/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Những chính sách, quyết định, chương trình, dự án có vai trò quan trọng trong đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho người học; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, nhà giáo làm công tác hỗ trợ người học khởi nghiệp, cũng như trong quan hệ sinh thái khởi nghiệp; tạo kết nối để các DNKN có thêm sự trợ giúp về kiến thức và các mối quan hệ trong cộng đồng hệ sinh thái. Các công ty quỹ trong nước bắt đầu xuất hiện và đóng vai trò lớn trong việc kết nối, tạo điều kiện, bảo vệ nguồn vốn đầu tư cho các đơn vị khởi nghiệp, giúp họ phát triển vững chắc hơn trong môi trường đầy biến động và khó khăn hiện nay.
Thách thức
Bên cạnh cơ hội trên, hoạt động khởi nghiệp của các DNKN Việt Nam cũng gặp một số khó khăn, thách thức. Một số thách thức của các công ty khởi nghiệp được chia thành hai nhóm: (1) Thách thức đến từ chính nội bộ DNKN; (2) Rào cản đến từ môi trường bên ngoài DNKN. Cụ thể như sau:
Rào cản nội bộ:
“Tuổi trẻ” cũng là một rào cản đối với DNKN bởi đặc thù không cạnh tranh được với các DN lớn về uy tín và hiểu biết pháp luật, khó khăn hơn trong việc xây dựng và duy trì mối quan hệ với các đối tác, không thể dựa vào danh tiếng trên thị trường tài chính, khó khăn hơn trong việc xây dựng mạng lưới hoặc tạo sự cân bằng trong liên minh.
Bên cạnh đó, người sáng lập DNKN còn thiếu kinh nghiệm trong thực tiễn. Phong trào khởi nghiệp nở rộ đã bộc lộ điểm yếu của các nhà sáng lập tại Việt Nam. Đó là họ thiếu kỹ năng, hầu hết họ không có quan điểm kinh doanh, nên không có cái nhìn thấu đáo.
Trong khi đó, các nhà sáng lập thiếu quyết tâm và nỗ lực. Tình trạng DNKN Việt Nam không đi đến cùng khiến các Quỹ đầu tư “ngại” tiếp cận. Ở Việt Nam, khi mới bắt đầu thành công, các nhà sáng lập thường hài lòng quá sớm và bắt đầu tự mãn, không sống với đam mê ban đầu. Thậm chí, hầu hết các doanh nhân trẻ thường nghĩ đến việc xây dựng một ý tưởng và sau đó bán nó. Điều này hoàn toàn trái ngược với suy nghĩ của các nhà đầu tư. Họ không muốn những người sáng lập hài lòng quá sớm. Vì vậy, ngay từ đầu, nếu một DNKN đã “bám” vào ý tưởng “làm để bán” thì càng khó thu hút đầu tư.
Một trong những thách thức, rào cản khác là người sáng lập không giỏi tiếng Anh. Đối với DNKN Việt Nam tiếng Anh chưa thông thạo khiến DNKN khó tiếp thu kiến thức bên ngoài và vươn ra khu vực, cũng như thế giới.
Rào cản từ bên ngoài:
Thực tế ở nước ta cho thấy rất khó tìm nhà đầu tư thiên thần trong giai đoạn đầu ở các lĩnh vực như bất động sản, tài chính và tài nguyên. Những doanh nhân thành đạt từ các lĩnh vực này thường có cái nhìn rất khác và chưa quen với khởi nghiệp. Vì vậy, họ sẵn sàng bỏ tiền đầu tư vào những lĩnh vực có thế mạnh, có nhiều mối quan hệ và am hiểu thị trường, thay vì startup. Không dễ để kêu gọi họ đầu tư vào một lĩnh vực kinh doanh mới chỉ dừng lại ở “tiềm năng, ý tưởng” nhưng có giá “trên trời”.
Khả năng tiếp cận vốn hạn chế. Ngay cả huy động vốn từ các quỹ đầu tư cũng là bài toán nan giải đối với các DNKN Việt Nam. Hiện thị trường đã ghi nhận sự tham gia của một số quỹ đầu tư vào khởi nghiệp tại Việt Nam như: IDT (Việt Nam), Cyber Agent (Nhật Bản), Golden Gate (Singapore), IDG, 500 DNKN (Mỹ)…
Tuy nhiên, số tiền dành cho khởi nghiệp Việt Nam rất hạn chế. Mặc dù trên thực tế đã huy động được hàng triệu USD, nhưng các công ty khởi nghiệp cũng phải đối mặt với những khó khăn trong thời gian này, và một số nhà sáng lập thậm chí đã phải rời bỏ các công ty khởi nghiệp dù đã có rất nhiều nỗ lực và thời gian để xây dựng chúng.
Bên cạnh đó, việc kết nối giữa Quỹ đầu tư ngoại với DNKN Việt Nam còn gặp không ít khó khăn. Hành lang pháp lý quy định về vấn đề này còn chưa rõ ràng, chưa có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ startup tại Việt Nam, cũng như chính sách cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa thực sự hiểu thị trường Việt Nam và hành vi của người tiêu dùng.
Cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp được ban hành còn chưa đồng bộ. Chưa có chính sách ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo ngay từ giai đoạn đầu. Các hoạt động kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp, các hoạt động của các bộ, ban, ngành nhằm chia sẻ, cung cấp kiến thức, thông tin kinh nghiệm về hoạt động khởi nghiệp còn hạn chế. Hiện tại, còn nhiều quỹ đầu tư vẫn phải thành lập pháp nhân tại Singapore để chủ động giải quyết các vấn đề liên quan tới ngân hàng. Để nhận được vốn đầu tư nước ngoài, các công ty Việt Nam vẫn phải sang Singapore để thực hiện các giao dịch.
Hệ thống vườn ươm khởi nghiệp chưa hoàn thiện. Các cơ sở ươm tạo còn non trẻ, vẫn còn những hạn chế như: Cơ sở vật chất yếu kém, hoạt động chậm làm giảm hiệu quả dự án, chưa có khung pháp lý chính thức, hoạt động nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ…
Hệ sinh thái khởi nghiệp đang ở giai đoạn sơ khai. Mặc dù, thời gian qua, hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam đã đạt được những bước tiến nhất định cả về số lượng, chất lượng, nhưng các nhân tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển còn chậm, thiếu tính bền vững.
Các chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp ở nước ta còn xếp hạng ở mức thấp như: Giáo dục kinh doanh trong trường phổ thông; giáo dục kinh doanh sau phổ thông; tài chính cho doanh nghiệp; chuyển giao nghiên cứu, ứng dụng...
Rào cản lớn đối với hoạt động khởi nghiệp sáng tạo là công nghệ ở Việt Nam chưa phát triển. Thủ tục đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ còn mất nhiều thời gian, hiệu quả chưa cao, khả năng bảo hộ kém. Chính vì vậy, nhiều DN đã phải mất rất nhiều công sức tự tạo ra các rào cản công nghệ để cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.
Bên cạnh những hạn chế trên, qua kết quả khởi nghiệp ở nước ta trong thời gian qua cho thấy, các yếu tố ở nước ta còn kém xa so với các nước cùng trình độ phát triển kinh tế và các nước trong khu vực như: Sợ thất bại trong kinh doanh, khả năng kinh doanh, lĩnh vực kinh doanh và yếu tố sáng tạo đổi mới trong kinh doanh.
Từ điển Collin định nghĩa: Doanh nhân là người chủ hoặc người quản lý doanh nghiệp sử dụng sự mạo hiểm và sáng kiến để tạo ra lợi nhuận. Khái niệm này cho biết hai đặc điểm/phẩm chất cơ bản của doanh nhân và đòi hỏi muốn trở thành doanh nhân thì người khởi sự kinh doanh phải chấp nhận mạo hiểm và có sáng kiến (Đặng Đức Thành, 2019). Đây chính là điểm yếu trong văn hoá của Việt Nam so với các quốc gia phương Tây.
Chính sách hỗ trợ pháp lý cho DNKN ở nước ta vẫn còn chồng chéo, chưa rõ ràng, phải qua nhiều khâu thủ tục giấy tờ. Điều nay là trở ngại chính khiến các dự án khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh trong thực tiễn. Không nhiều nhà sáng lập DNKN từng làm việc trong ngành luật. Số lượng DNKN đủ điều kiện mời chuyên gia cố vấn còn khá thấp. Các DNKN vẫn phải nghiên cứu, thu thập các quy định liên quan đến ngành, nghề kinh doanh của mình trên hệ thống pháp luật Việt Nam.
Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam
Để giải quyết những khó khăn, thách thức trên, thời gian tới cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, nâng cao tinh thần khởi nghiệp và xây dựng văn hoá khởi nghiệp trong giới trẻ trên cơ sở định hướng hành động của Chính phủ và các bộ, ban ngành tập trung mọi nguồn lực cho các DN nhỏ và vừa khởi nghiệp.
Các loại hình DN dù lớn hay nhỏ đều cần tinh thần khởi nghiệp để tạo ra các sản phẩm mới và động lực phát triển mới. Ở cấp độ thông thường và phổ biến nhất, đó chính là tạo động lực khởi nghiệp trong DN.
Hai là, các công ty khởi nghiệp Việt Nam cần được trang bị kiến thức, kinh nghiệm và chuyên môn cơ bản để nhận được tài trợ từ hạt giống hoặc tiền hạt giống. Mặc dù nước ta chỉ đứng sau Singapore và Indonesia về số lượng DNKN, nhưng không nhiều DN trong số này được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phát triển mô hình kinh doanh bền vững. Các sáng lập viên, nhân sự chủ chốt của DNKN đều chủ yếu là chuyên ngành kỹ thuật, công nghệ. Do vậy, rất nhiều DNKN chưa có kiến thức đầy đủ về kinh doanh, kinh tế và các kỹ năng điều hành, quản lý DN, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Việc trang bị đầy đủ các kiến thức này tạo khả năng phát triển toàn diện cho DNKN, củng cố vị thế bền vững hơn cho DNKN.
Cần có nhiều chương trình khuyến khích các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu tại Việt Nam để tìm hiểu các chiến lược về cách thúc đẩy tăng trưởng, huy động vốn, quản lý nhân sự và phát triển nền tảng công nghệ, cũng như cải thiện các hoạt động tiếp thị và bán hàng. Từ đó, các công ty khởi nghiệp có thể tiếp tục phát triển hoạt động kinh doanh của mình để huy động vốn
Ba là, cần có nhiều chương trình khuyến khích các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu tại Việt Nam để tìm hiểu các chiến lược về cách thúc đẩy tăng trưởng, huy động vốn, quản lý nhân sự và phát triển nền tảng công nghệ, cũng như cải thiện các hoạt động tiếp thị và bán hàng. Từ đó, các công ty khởi nghiệp có thể tiếp tục phát triển hoạt động kinh doanh của mình để huy động vốn trong các vòng Series A, Series B và Series C.
Bốn là, đa dạng hoá các hình thức và lĩnh vực khởi nghiệp, từ đó tìm ra thị trường ngách cho các DNKN Việt Nam. Hiện nay, khi nói về khởi nghiệp đều được hướng tới hoặc ngầm hướng tới các startup - các DN kỳ vọng vào sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ công nghệ hoặc những sáng tạo mang tính đột phá. Trào lưu quá tập trung và ủng hộ cho các startup này vô hình chung dẫn đến cách hiểu startup là những DN công nghệ mà quên đi các DNKN trong các lĩnh vực khác.
Khởi nghiệp không chỉ đề cập đến các công ty trong lĩnh vực công nghệ mà còn bao gồm tất cả các lĩnh vực, các loại hình khác nhau. Công nghệ là nền tảng để các DNKN duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của mình; đồng thời, tạo thị phần cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường.
Hay nói cách khác, một DN không thể gọi là khởi nghiệp nếu thiếu yếu tố công nghệ. Hiểu đúng khái niệm khởi nghiệp kinh doanh là điều kiện tiên quyết để xác định đúng đối tượng và mục tiêu của các chương trình và chính sách khởi nghiệp. Đồng thời, đảm bảo tính hiệu quả của các chính sách, chương trình hỗ trợ để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và phát huy được nguồn lực của các tác nhân trong hệ sinh thái khởi nghiệp.
Năm là, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp hướng tới phát triển bền vững, trong đó,tập trung vào chất lượng hơn là số lượng. Để thực hiện được mục tiêu này, cần tăng cường vai trò đào tạo của các trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp.
Phần Lan luôn được coi là một trong những trung tâm khởi nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới. Bộ Giáo dục Phần Lan đóng vai trò định hướng, còn các trường học được quyền tự chủ để điều chỉnh bài học, cách giảng dạy ở quy mô lớn. Chỉ trong năm 2014, tại Phần Lan có hơn 400 công ty mới thuộc lĩnh vực công nghệ cao được thành lập. Để đạt được tốc độ khởi nghiệp này, Chính phủ Phần Lan tập trung hỗ trợ và khuyến khích khởi nghiệp trong sinh viên, chủ yếu ở trong lĩnh vực công nghệ.
Các startup được hỗ trợ bằng những nghiên cứu khoa học từ chính các trường đại học Phần Lan. Các nghiên cứu này như là “bệ đỡ” quan trọng cho sản phẩm của các startup đi đúng hướng, phù hợp với người dùng không chỉ riêng ở Phần Lan, mà còn ở trên toàn cầu.
Tại Phần Lan, các trường đại học ngoài chức năng truyền thông là nghiên cứu và đào tạo dựa trên nghiên cứu, thì chức năng thứ 3 không kém phần quan trọng là đóng vai trò chính trong việc cung cấp công nghệ và mô hình kinh doanh mới cho DN. Để thực hiện chức năng này, Chính phủ nước này cung cấp 65% vốn và các trường đại học sẽ tự tìm 35% vốn còn lại.
Bên cạnh đó, các trường đại học còn thực hiện mô hình đào tạo kinh doanh và khởi nghiệp cho sinh viên. Các trường khuyến khích khởi nghiệp bằng cách tham gia sâu vào chuyển giao công nghệ, phát triển các DN có sẵn bằng cách thương mại hóa dựa vào nghiên cứu của trường.
Sáu là, thu hút các nhà đầu tư thông qua các chính sách ưu đãi của Nhà nước và tạo ra sự cởi mở cho thị trường. Việt Nam đã hình thành hệ sinh thái hoàn thiện để các DNKN. Trong đó, có sự đóng góp quan trọng của các nhà đầu tư. Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam có sự tham gia đầy đủ của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Vốn luôn luôn là yếu tố cần thiết để các DNKN hoạt động.
Bảy là, hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng đồng bộ, khuyến khích các DN tham gia hoạt động khởi nghiệp. Chẳng hạn như: Hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp tại Việt Nam tuân thủ theo Luật Đầu tư, thành lập công ty theo Luật DN, thành lập Quỹ Đầu tư chứng khoán theo Luật Chứng khoán... Do vậy, cần có các chính sách đồng bộ, rõ ràng hướng tới nhóm đối tượng DNKN.
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Khoa học Công nghệ (2017), Tiềm năng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, http://dean844.most.gov.vn/tiem-nang-phat-trien-he-sinh-thai-khoi-nghiep-o-viet-nam-trong-boi-canh-hoi-nhap-quoc-te.htm;
- VCCI (2019), Báo cáo Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2017/2018, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- Cơ quan Sáng tạo Nội dung Hàn Quốc KOCCA (2021), Báo cáo khởi nghiệp Việt Nam 2020, https://ocd.vn/download/bao-cao-khoi-nghiep-viet-nam-2020;
- Đặng Đức Thành (2019), Con đường nào để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo? http://baochinhphu.vn/;
- Hoàng Phê (2010), Từ điển Tiếng Việt. NXB Từ điển Bách khoa tái bản;
- HSBC và công ty KPMG (2022), Những người khổng lồ mới nổi ở châu Á -Thái Bình Dương 2022;
- ictvietnam.vn (2022), Startup công nghệ Việt và bài toán về nguồn nhân lực, https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/156928/Startup-cong-nghe-Viet-va-bai-toan-ve-nguon-nhan-luc.html;
- Lê Đỗ (2022), Việt Nam có môi trường khởi nghiệp non trẻ và năng động bậc nhất châu Á, https://thoibaonganhang.vn/viet-nam-co-moi-truong-khoi-nghiep-non-tre-va-nang-dong-bac-nhat-chau-a-129290.html;
- Phan Trang (2023), Nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao môi trường kinh doanh Việt Nam, https://baochinhphu.vn/nha-dau-tu-nuoc-ngoai-danh-gia-cao-moi-truong-kinh-doanh-viet-nam-102230515165443427.htm;
- Thanh Hương (2022), Hành trình 20 năm tiên phong, https://diendandoanhnghiep.vn/hanh-trinh-20-nam-tien-phong-215841.html;
- Bellotti, F., Berta, R., De Gloria, A., Lavagnino, E., Antonaci, A., Dagnino, F., & Mayer, I. S. (2014), Serious games and the development of an entrepreneurial mindset in higher education engineering students. Entertainment Computing, 5(4), 357-366;
- Drucker, P.F. (1999), Innovation and entrepreneurship. 2nd. ed. Oxford: Butterworth- Heinemann;
- Nabi, G., & Holden, R. (2008), Graduate entrepreneurship: intentions, education and training. Education+ training, 50(7), p.545-551;
- Zhang, Y., & Yang, J. (2006), New venture creation: Evidence from an investigation into Chinese entrepreneurship. Journal of Small Business and Enterprise Development, 13(2), 161-173.
- Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp (02/08/2024)
- 894 hộ nông dân có tài khoản trên các sàn thương mại điện tử (01/08/2024)
- Triển khai công tác đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã số 17/2023/QH15 (31/07/2024)
- Làn sóng khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo (31/07/2024)
- Vốn tín dụng cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (30/07/2024)
- Gợi ý đề bài cho Cuộc thi ĐMST ngành Thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2024 (30/07/2024)
- Tư duy xanh trong mọi hoạt động kinh tế (18/07/2024)
- Hội thảo khoa học lấy ý kiến chuyên gia xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2030 (13/07/2024)
- Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao Chỉ số Đổi mới sáng tạo (PII) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2024” (06/07/2024)
- Phát động Cuộc thi Đổi mới sáng tạo ngành thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2024 (27/06/2024)
|