Ông Võ Quốc Bình tại buổi chia sẻ về văn hóa của startup liên quan đến âm nhạc ngày 16-12. Ảnh: V.R. |
Tăng trưởng tốt trong mùa dịch
Trong buổi chia sẻ về văn hóa công ty Amanotes, ông Võ Quốc Bình, đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc Amanotes cho biết tính đến này đã có hơn 1,3 tỉ lượt tải trên toàn cầu và hơn 95 triệu người dùng hoạt động hàng tháng. Các sản phẩm của Amanotes là những trò chơi tương tác liên quan đến âm nhạc, được phát hành trên chợ ứng dụng của Google và Apple.
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Bình chia sẻ đây là năm thứ năm công ty phát triển liên tục, mức tăng trưởng trong năm nay dự kiến đạt mức 100%. Thị trường chính của Amanotes là Mỹ, xếp sau là châu Âu. Năm 2020 này, Amanotes đã mở rộng được tới 2 thị trường mới là Nhật Bản và Trung Quốc. Đây cũng là hai thị trường lớn mà đại diện Amanotes nhận định là rất tiềm năng.
Trước đó, Amanotes được vinh danh là mhà phát hành ứng dụng di động số 1 Đông Nam Á, đơn vị phát triển các ứng dụng game âm nhạc số 1 trên thế giới và nằm trong Top 20 nhà phát triển ứng dụng di động hàng đầu xét ở tất cả các danh mục trên toàn thế giới.
Theo dữ liệu mới nhất từ AppAnnie & Sensor Tower (cập nhật tháng 7-2020), có hơn 15 triệu người dùng hoạt động hàng ngày, hơn 95 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, trrò chơi âm nhạc hạng nhất ở hơn 190 quốc gia.
Nhìn chung, thị trường game thế giới nhìn chung vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhờ nhu cầu giải trí và lượng thiết bị cũng gia tăng, cùng yếu tố khách quan là đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu giải trí tăng cao đột biến. Tuy nhiên, về lâu dài, như ông Bình nhận xét, nhu cầu cũng sẽ cân bằng trở lại và Amanotes hiện đang tập trung vào phát triển các sản phẩm chiến lược cho tương lai.
Phát triển hệ sinh thái xoay quanh trục âm nhạc
Tập trung vào giáo dục âm nhạc là một điểm quan trọng mà Amanotes đặt ra trong năm nay. Ông Bình chia sẻ các sản phẩm ở giai đoạn sắp tới của Amanotes sẽ mang mức độ giáo dục cao hơn và tập trung hơn. Ví dụ như ứng dụng dạy chơi piano, học chơi guitar, học chơi trống, học hát, và các loại nhạc cụ khác nhau.
Đây là một số các sản phẩm mà Amanotes đang phát triển. Trong tương lai không chỉ giới hạn ở các ứng dụng mà còn có thể phát triển các kênh offline, tất nhiên là phải có yếu tố công nghệ tác động để giúp tăng hiệu suất.
Theo ông Bình, Amanotes sẽ đưa thêm yếu tố đơn giản và vui vẻ, mang tính cá nhân hóa để thay đổi cách thức học âm nhạc truyền thống vốn có cũ kỹ và có nhiều nhược điểm, khiến người học nhiều khi không có hứng thú.
Bên cạnh đó, Amanotes cũng đang xây dựng một chiến lược nền tảng (platform), bao gồm nhiều ứng dụng, nhiều trò chơi âm nhạc khác nhau phù hợp với nhiều nhu cầu khác nhau.
“Điều này cũng giống như TikTok ban đầu chỉ có nội dung âm nhạc, nhưng hiện tại đã đa dạng hơn rất nhiều. Đương nhiên ở Amanotes, chúng tôi vẫn sẽ tập trung vào âm nhạc, nhưng chúng tôi sẽ xây dựng tính đa dạng theo hướng nội dung này”, ông Bình chia sẻ.
Bên cạnh việc tự phát triển ứng dụng, Amanotes còn trở thành nhà phát hành, hỗ trợ các nhà phát triển khác đưa sản phẩm lên chợ ứng dụng. Thế mạnh của Amanotes là kho giấy phép bản quyền âm nhạc (hiện có khoảng 210.000 bài hát bản quyền trên thế giới). “Gần đây, chúng tôi đã hợp tác với YG Entertainment, một trong những hãng giải trí hàng đầu của Hàn Quốc và hãng EDM hàng đầu Monstercat để gia tăng sự đa dạng và đem các bản hit hàng đầu vào trò chơi”, ông Bình chia sẻ.
Amanotes được thành lập tại Việt Nam vào năm 2014 bởi ông Võ Tuấn Bình và Nguyễn Tuấn Cường. Amanotes luôn hướng đến mục tiêu thỏa mãn người dùng thông qua những trải nghiệm âm nhạc khác biệt, với tinh thần “Ai cũng có thể chơi nhạc”. Sản phẩm ghi dấu ấn của Amanotes là Magic Tiles 3, ra mắt vào năm 2017 và tạo được tiếng vang lớn trên thị trường game âm nhạc thế giới. Thành công được giải thích là nhờ cách chơi đơn giản, đồ họa đẹp mắt, kho nhạc phong phú và liên tục nâng cấp các tính năng.
- Thứ trưởng Khoa học: Hệ sinh thái khởi nghiệp cần đi vào thực chất (21/06/2018)
- Thí điểm phương án nâng cao tính năng sáng tạo, khởi nghiệp tại KCNC Đà Nẵng (18/04/2018)
- Khởi nghiệp trong nông nghiệp: Lấy đổi mới, sáng tạo làm nền tảng (16/04/2018)
- Hiểu rõ khách hàng với mô hình AARRR cho Start Up (16/04/2018)
|