Vừa làm… vừa sửa
Từ khi còn là sinh viên ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM, Ngô Huỳnh Ngọc Khánh đã ấp ủ ước mơ phát triển một nền tảng kết nối vạn vật tạo điều kiện cho công nghệ IoT dễ dàng đi từ ý tưởng đến hiện thực. Rồi những sản phẩm từ công nghệ IoT lần lượt ra đời: nhà nuôi yến, nhà màng, thiết bị điều khiển cửa cuốn…
Nằm trong một góc nhỏ tại khu triển lãm của WHISE, hai thành viên kể về câu chuyện khởi nghiệp kèm theo những nụ cười. Bởi sau hai năm thành lập công ty mang tên iNut, đã có 2000 sản phẩm được bán ra, có 35 đại lý đã phân phối thiết bị cửa cuốn ứng dụng IoT của nhóm. “Đó là những kết quả không lớn, nhưng chúng mình cảm thấy, đây là nền tảng vững chắc để có những bước tiến dài trong tương lai. Vì doanh nghiệp hiện nay đang kinh doanh có lãi”- Khánh chia sẻ.
Ít ai biết rằng, trước đó, sản phẩm iNut từng thất bại tại cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp CiC của ĐH Quốc gia TP.HCM và nhóm phải sửa đi sửa lại nhiều lần để phù hợp với nhu cầu khách hàng.
“Mình cũng cảm thấy vui vì những giai đoạn khó khăn nhất cả nhóm vẫn luôn đồng hành và chiến đấu để có được những kết quả như hôm nay, dẫu biết rằng, hành trình khởi nghiệp phía trước vẫn còn nhiều khó khăn”- Nguyễn Ngọc Huân, thành viên nhóm dự án nói.
Chậm rãi nhưng chắc chắn
Cũng có những khởi đầu khó khăn như iNut, dự án ChildHub của Dương Trần Hà Phương, cựu sinh viên ĐH Sư phạm TP.HCM phải đối mặt với những ngập ngừng từ phía các trường mầm non. Bởi dự án của Phương là ứng dụng CNTT giúp phụ huynh có thể theo dõi hoạt động học tập của con mình tại các trường mầm non thông qua hệ thống camera được lắp đặt trong trường.
Các hiệu trưởng mầm non lo ngại việc lắp đặt camera sẽ ảnh hưởng đến quyền riêng tư và vấn đề quan trọng hơn là trường hợp dữ liệu hình ảnh, video lọt ra ngoài có thể ảnh hưởng đến danh tiếng nhà trường. Vì thế, nhóm của Phương đã phải mất công sức, thời gian thuyết phục họ sử dụng và hoàn toàn an tâm khi nhà trường được quyền kiểm soát toàn bộ việc lưu trữ hình ảnh, video trong trường.
Dương Trần Hà Phương, mong muốn giải pháp công nghệ ChildHub có thể đến với nhiều trường mầm mon hơn. Ảnh: Hà Thế An.
“Công nghệ muốn phát huy hiệu quả phải có sự tham gia chung sức của con người. Nhóm phát triển mô hình này nhằm giúp phụ huynh có mối liên kết với trường chặt chẽ hơn, tất cả nhằm giúp các bé được học tập trong môi trường tốt nhất”- Phương chia sẻ.
Để có được những khách hàng tin tưởng, Phương bắt đầu ngay trong ngôi trường mình từng học. Chàng trai này giới thiệu sản phẩm đến khoa giáo dục mầm non, và nhờ các thầy cô giới thiệu khách hàng. Cũng từ “mối” này, Phương có những khách hàng đầu tiên. Cách đây 2 năm, trường mầm non Sao Việt (Quận 9, TP.HCM) là nơi đầu tiên sử dụng sản phẩm ChildHub. Đến nay, sau nhiều nỗ lực, đã có 9 trường mầm non sử dụng sản phẩm này.
“Dù số trường không nhiều nhưng đó hoàn toàn nằm trong kế hoạch của nhóm. Bởi sử dụng một sản phẩm công nghệ trong ngành giáo dục, đặc biệt là trong giáo dục mầm non mang tính nền tảng quan trọng trong sự phát triển của một con người cần phải có những bước đi chậm nhưng chắc. Vấn đề quan trọng nhất là sản phẩm của mình sẽ cần phải tiếp tục tương tác và góp ý từ phía nhà trường để sản phẩm tốt hơn”- Phương nói.
Sắp tới, dự án của Phương sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để đếm số lượng học sinh thông qua việc nhận diện khuôn mặt. Điều này giúp giáo viên và phụ huynh kiểm soát sĩ số học sinh tốt hơn. Phương cũng sẽ sử dụng AI để phân tích thực đơn hằng ngày của bé, từ đó đưa ra được những đề xuất hợp lý giúp đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ ở những độ tuổi khác nhau.
Khách hàng đầu tiên là những “người quen”
Khởi đầu quá trình khởi nghiệp khi trở thành Á quân cuộc thi IoT startup năm 2016, dự án khóa thông minh ATOVI của Ngô Cự Mạnh, cựu sinh viên ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM đã phải đối mặt với khó khăn. “Cửa khóa nhưng nhìn không có gì bên ngoài nên thấy… không yên tâm”, đó là suy nghĩ của nhiều người khi tiếp cận với giải pháp của Mạnh trong thời gian đầu.
Khóa ATOVI đang nhận được sự đón nhận của nhiều khu nghỉ dưỡng. Ảnh: Hà Thế An.
Hệ thống khóa cửa thông minh của Mạnh không cần ổ khóa mà sử dụng công nghệ IoT, quản lý bằng điện thoại thông minh với tính an toàn cao hơn, hiện đại hơn. Dù lần đầu, sản phẩm bị nghi ngờ, nhưng đến nay Mạnh đã có một lượng khách hàng khá ổn và số lượng khóa bán ra lên đến gần 500 bộ. Những khu nghỉ dưỡng hạng sang ở Phú Quốc, homestay ở Đà Nẵng bắt đầu sử dụng giải pháp khóa thông minh này.
“Thời gian đầu rất khó khăn khi bán sản phẩm vì nó quá mới và khách hàng chưa quen với sự thay đổi. Vì khóa gắn liền với vấn đề an ninh của cả tòa nhà, nên họ rất cẩn trọng. Những khách hàng đầu tiên của nhóm chính là bạn bè, người thân đã có sự tin tưởng với sản phẩm. Từ đối tượng này, nhóm bắt đầu khai thác và chứng minh được tính an toàn, tiện lợi, cũng như hiệu quả để giới thiệu với những khách hàng khác”- Võ Thượng Đỉnh, thành viên nhóm dự án nói.
Thời gian tới, theo Đỉnh, dự án ATOVI sẽ phát triển thị trường ở các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Nhóm đang lên kế hoạch cụ thể để có thể chinh phục thị trường ở những quốc gia này.
- Thứ trưởng Khoa học: Hệ sinh thái khởi nghiệp cần đi vào thực chất (21/06/2018)
- Thí điểm phương án nâng cao tính năng sáng tạo, khởi nghiệp tại KCNC Đà Nẵng (18/04/2018)
- Khởi nghiệp trong nông nghiệp: Lấy đổi mới, sáng tạo làm nền tảng (16/04/2018)
- Hiểu rõ khách hàng với mô hình AARRR cho Start Up (16/04/2018)
|