Nhà đầu tư ngoại “ồ ạt” rót vốn
Theo nghiên cứu của Công ty đầu tư mạo hiểm ESP Capital và Cento Ventures (ESP-Cento) của Singapore có trụ sở tại TPHCM, tính đến tháng 6-2019, đầu tư vào khởi nghiệp Việt Nam đã đạt 246 triệu đô la Mỹ với 56 thương vụ. Con số trên dự kiến sẽ chạm mốc 800 triệu đô la vào cuối năm 2019, tương đương với mức tăng 80% so với 444 triệu đô la của năm 2018.
Tổng cộng có khoảng 5,9 tỉ đô la đã được rót vào các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á trong nửa đầu năm 2019. Việt Nam chiếm 17% (tỷ lệ này chỉ chiếm 5% vào năm 2018), xếp sau Singapore ở mức 25% và Indonesia với 48%.
Đầu tư khởi nghiệp ở Việt Nam bắt đầu tăng từ năm ngoái, 3 lĩnh vực thu hút lượng vốn khổng lồ là bán lẻ, thanh toán và giáo dục trực tuyến.
Một trong số các công ty tăng tỷ lệ vốn đầu tư đáng chú ý phải kể đến là Momo, công ty fintech hoạt động trong lĩnh vực thanh toán di động này đã kêu gọi thành công 100 triệu đô la từ quỹ đầu tư toàn cầu Warburg Pincus của Mỹ. Đây được coi là thương vụ gọi vốn lớn nhất trong lịch sử từ trước đến nay.
Sàn thương mại điện tử Tiki cũng nhận được một khoản tiền đầu tư khủng. Mặc dù chưa tiết lộ thông tin chính thức, nhưng Tiki được cho là đã huy động 75 triệu đô la trong tháng 3 từ Northstar Group của Singapore.
Công ty giải pháp thanh toán VNPay đã kêu gọi được 50 triệu đô la từ quỹ quốc gia Singapore (GIC), trong khi VNG nhận được 29 triệu đô la từ Temasek Holdings.
Các công ty khởi nghiệp nhỏ hơn cũng góp mặt trong danh sách được rót vốn. Luxstay, một công ty khởi nghiệp với mô hình chia sẻ phòng như Airbnb đã huy động được 4,5 triệu đô la trong tháng 5. Nhà điều hành hệ thống điểm bán hàng KiotViet đã nhận được 6 triệu đô la trong tháng 8.
"Thiên thời, địa lợi, nhân hòa"
Đầu tư vào các công ty khởi nghiệp (start-up) Việt Nam ngày càng tăng. Nguồn: Nikkei Asian Review |
Với quy mô dân số khoảng 96 triệu dân kết hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế tích cực đạt 6,7% trong quý 2, đã khiến Việt Nam được nhiều nhà đầu tư nước ngoài để mắt đến.
Báo cáo của ESP-Cento nhấn mạnh Việt Nam đang trong giai đoạn kiến tạo các thành phần của nền kinh tế kỹ thuật số. Hơn nữa, nền kinh tế số Việt Nam lại được hưởng lợi từ dân số trẻ, trong đó 60% ở độ tuổi dưới 35, tỷ lệ sử dụng di động và Internet vẫn không ngừng tăng lên.
Ngoài ra, Việt Nam có lực lượng lao động ham học hỏi (Việt Nam xếp thứ 8 toàn cầu trong bài kiểm tra đánh giá học sinh quốc tế PISA, cao hơn Hồng Kông và Hàn Quốc), cùng với chi phí lao động tương đối thấp, Việt Nam từ lâu đã trở thành trung tâm gia công phần mềm ở châu Á, báo cáo của ESP-Cento chỉ rõ.
Bên cạnh đó, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam còn nhận được sự quan tâm của Chính phủ thông qua nhiều chương trình "ươm tạo" và cũng sự hỗ trợ từ các chuyên gia có chuyên môn cao ở nước ngoài.
"Phong trào khởi nghiệp ở Đông Nam Á được dẫn dắt bởi Indonesia và Singapore, với 6 trong số 8 kỳ lân của khu vực. Tuy chưa có công ty nào được định giá 1 tỉ đô la nhưng Việt Nam chắc chắn có tiềm năng trở thành hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu tiếp theo của Đông Nam Á", theo nghiên cứu của ESP-Cento.
- 2 startup xuất sắc vùng Đông Nam Bộ sẽ thi tài tại Techfest Việt Nam 2019 (28/09/2019)
- Không gian làm việc chung nổi lên khi văn phòng khan hiếm nguồn cung (26/09/2019)
- Shark Việt hỏi “Startup làm gì để không bị ăn cắp ý tưởng?”, TS Lê Thẩm Dương đáp: Không phải lo, vì ý tưởng nhiều khi chỉ là ý định ngông cuồng! (20/09/2019)
- Bài học từ Jack Ma và Mark Zuckerberg, khởi nghiệp với người thân hay người lạ không quan trọng, cơ bản vẫn là sự dung hòa (18/09/2019)
- 800 triệu USD sẽ rót vào các startup Việt Nam năm 2019 (19/08/2019)
- Khởi nghiệp chính là can đảm bước qua vùng nước sâu (08/07/2019)
- Năm bài học từ hành trình khởi nghiệp của Elon Musk (09/06/2019)
- 8 bài học thành công của tỷ phú Jeff Bezos (10/05/2019)
- Muốn khởi nghiệp?! Hãy dành 5 phút đọc bài viết này (01/05/2019)
- Google công bố chương trình hỗ trợ startup Việt ra toàn cầu (13/03/2019)
|