Trong khuôn khổ Dự án
"Triển khai sáng kiến khu công nghiệp (KCN) sinh thái hướng tới mô hình
KCN bền vững tại Việt Nam", ngày 08-09/11/2018, tại thành phố Hồ Chí Minh,
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc
(UNIDO) tổ chức Hội thảo chuyên gia quốc tế về KCN sinh thái (EGM) lần thứ hai.
Tham dự Hội thảo có đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, các nhà tài trợ, nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước và các doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến việc hình thành và phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái (KCNST) tại Việt Nam. Điều này khẳng định sự nhất quán trong việc thúc đẩy các mô hình KCN mới và tăng cường sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và các nhà tài trợ nhằm thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp theo hướng bền vững.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, thực hiện chủ trương phát triển các KCN của Chính phủ Việt Nam, từ năm 1991 đến nay, Việt Nam đã xây dựng 326 KCN, khu chế xuất (KCX) với tổng diện tích đất tự nhiên gần 94 nghìn ha, thu hút trên 16.000 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký trên 180 tỷ USD. Các KCN đã có đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thông qua nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu, đóng góp vào ngân sách nhà nước và tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, Vụ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, việc gia tăng các hoạt động sản xuất công nghiệp và hệ thống các KCN tại Việt Nam đã và đang tạo ra các thách thức đặt ra yêu cầu giải quyết cấp bách tình trạng ô nhiễm tại các KCN ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và đời sống của người dân xung quanh, tài nguyên thiên nhiên chưa được sử dụng hiệu quả. Nhiều giải pháp sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên chưa được ứng dụng. Cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp trong một KCN hoặc giữa các KCN còn hạn chế. Các dịch vụ trong KCN chưa được cung cấp đầy đủ hoặc chất lượng chưa cao...
Để giải quyết những thách thức trên, Vụ trưởng Trần Duy Đông cho biết, thông qua Dự án KCN sinh thái do Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy sỹ (SECO) tài trợ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với UNIDO thực hiện thí điểm sáng kiến KCN sinh thái tại 3 địa phương: Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ với mục tiêu đảm bảo 3 trụ cột của phát triển bền vững trong công nghiệp gồm: Kinh tế, môi trường và xã hội. Dự án đã đạt được kết quả tích cực trong việc nâng cao nhận thức về KCNST, thúc đẩy các doanh nghiệp trong các KCN đẩy mạnh đổi mới công nghệ, ứng dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn... Trên cơ sở các kết quả tích cực của sáng kiến KCN sinh thái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 quy định về quản lý KCN và KKT, trong đó nêu rõ khái niệm, tiêu chí KCN sinh thái và phân công trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc hướng dẫn phát triển KCN sinh thái.
Tiếp nối kết quả thành công của Hội thảo lần thứ nhất năm 2016 được tổ chức tại Quảng Nam, Hội thảo EGM lần thứ hai là dịp để các đại biểu tham dự thảo luận, trao đổi nhằm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện mô hình KCN sinh thái tại Việt Nam. Đồng thời, thảo luận những yếu tố quan trọng quyết định thành công của mô hình KCN sinh thái như sự đóng góp của khu vực tư nhân, công tác quy hoạch và quản lý KCN sinh thái, khuyến khích hoạt động cộng sinh trong và ngoài KCN hướng đến mô hình thành phố bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên, xây dựng mới các KCN sinh thái và tăng cường năng lực về KCN sinh thái cho các bên liên quan.
Vụ trưởng Trần Duy Đông mong muốn các đại biểu tham dự Hội thảo chủ động, tích cực tham gia các nội dung và các phiên thảo luận. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn triển khai mô hình KCN sinh thái tại Việt Nam.
Hội thảo sẽ diễn ra 6 phiên: Phiên 1 với chủ đề Thể chế, chính sách và hướng dẫn về KCN sinh thái ở Việt Nam; Phiên 2: Khu vực tư nhân và các sáng kiến KCN sinh thái; Phiên 3: Quy hoạch và quản lý KCN sinh thái; Phiên 4: Cộng sinh công nghiệp và thành phố bền vững; Phiên 5: Hiệu quả tài nguyên và năng lượng bền vững cho KCN sinh thái; Phiên 6: Tập trung thảo luận nhóm./.
- Những khó khăn của một công ty Startup thường gặp phải (17/08/2023)
- SINH VIÊN KHỞI NGHIỆP CẦN NHỮNG GÌ? (15/07/2023)
- Khởi nghiệp thất bại: Nhiều startup phải đóng cửa và phá sản vào cuối năm 2023 (13/06/2023)
- Apna là startup nào mà thành Unicorn chỉ sau 21 tháng dù chưa có doanh thu? (08/05/2023)
- Thông báo địa điểm làm việc của Văn phòng Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (13/04/2023)
- Đừng nghĩ khởi nghiệp quá lớn lao, hãy bắt đầu với những điều nhỏ bé (05/04/2023)
- AI SẼ DẪN ĐẦU TRONG CUỘC ĐUA THU LỢI NHUẬN TỪ CÁC NỀN TẢNG GENERATIVE AI? (28/03/2023)
- 7 Mô hình kinh doanh khởi nghiệp bạn nên biết (18/03/2023)
- 8 CÁCH ĐỂ ĐƯA RA MỘT Ý TƯỞNG KHỞI NGHIỆP (15/01/2023)
- Mỗi startup Việt nhận đầu tư trung bình 1,15 triệu USD (12/01/2023)
|