Căn cứ triển khai:
– Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày 12 tháng 6 năm 2017;
– Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;
– Thông tư số 06/2022/TT-BKHĐT ngày 10/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP;
– Kế hoạch số 38/KH-UBND ngày 15/3/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh V/v Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2023 – 2025;
– Quyết định số 3641/QĐ-UBND ngày 18/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh V/v Ban hành Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2023 – 2025.
I. Đối tượng hỗ trợ
Doanh nghiệp nhỏ và vừa ((DNNVV) khởi nghiệp sáng tạo được thành lập và hoạt động trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đáp ứng các tiêu chí quy định tại Điều 20 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP: cụ thể các tiêu chí như sau:
1. Sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, phần mềm máy tính, ứng dụng trên điện thoại di động, điện toán đám mây, giông vật nuôi mới, giống cây trồng mới, giống thủy sản mới, giống cây lâm nghiệp mới.
2. Sản xuất, kinh doanh sản phẩm được tạo ra từ các dự án sản xuất thử nghiệm, sản phẩm mẫu và hoàn thiện công nghệ; sản xuất, kinh doanh sản phẩm đạt giải tại các cuộc thi khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, quốc tế và các giải thưởng về khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về giải thưởng khoa học và công nghệ.
3. Có giải pháp công nghệ hoặc mô hình kinh doanh mới có khả năng tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% trong 02 năm liên tiếp trên cơ sở phân tích các yếu tố thị phần, khả năng phát triển của sản phẩm, dịch vụ và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
II. Phương thức lựa chọn DNNVV khởi nghiệp sáng tạo để hỗ trợ
Căn cứ tiêu chí quy định tại Điều 20 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP và điều kiện hỗ trợ quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Hỗ trợ DNNVV, DNNVV được lựa chọn hỗ trợ theo một trong các phương thức sau đây:
1. Lựa chọn các doanh nghiệp có giải thưởng cấp quốc gia, quốc tế về khởi nghiệp sáng tạo hoặc sản phẩm, dự án về đổi mới sáng tạo; hoặc được cấp văn bằng bảo hộ đối với sáng chế; hoặc được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ, Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
2. Lựa chọn các doanh nghiệp đã được đầu tư hoặc cam kết đầu tư bởi các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; được hỗ trợ hoặc cam kết hỗ trợ bởi các khu làm việc chung, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở ươm tạo, cơ sở thúc đẩy kinh doanh, các trung tâm đổi mới sáng tạo theo quy định của pháp luật về đầu tư.
3. Lựa chọn thông qua Hội đồng do Sở Khoa học và Công nghệ thành lập, trong đó tối thiểu 50% Thành viên của Hội đồng là các chuyên gia tư vấn độc lập.
III. Nội dung và kinh phí hỗ trợ
Nội dung và kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo thực hiện theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP, như sau:
1. Hỗ trợ sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung
a) Hỗ trợ 100% chi phí sử dụng trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung nhưng không quá 20 triệu đồng/năm/doanh nghiệp;
b) Hỗ trợ tối đa 50% chi phí thuê mặt bằng tại các cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung nhưng không quá 5 triệu đồng/tháng/doanh nghiệp. Thời gian hỗ trợ tối đa là 03 năm kể từ ngày doanh nghiệp ký hợp đồng thuê mặt bằng.
2. Hỗ trợ tư vấn sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ
a) Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về thủ tục xác lập, chuyển giao, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước nhưng không quá 30 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp;
b) Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về xây dựng bản mô tả sáng chế, bản thiết kế kiểu dáng công nghiệp, bản thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu nhưng không quá 30 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp;
c) Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn quản lý và phát triển các sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp;
d) Hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn xác lập chuyển giao, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp.
3. Hỗ trợ thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh mới
a) Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn để doanh nghiệp xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở nhưng không quá 10 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp và xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp;
b) Hỗ trợ tối đa 50% chi phí thử nghiệm mẫu phương tiện đo; chi phí kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; chi phí cấp dấu định lượng của hàng đóng gói sẵn, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường nhưng không quá 10 triệu đồng/năm/doanh nghiệp;
c) Hỗ trợ tối đa 50% chi phí thử nghiệm sản phẩm mới tại các đơn vị, tổ chức thử nghiệm sản phẩm hàng hóa nhưng không quá 30 triệu đồng/năm/doanh nghiệp;
d) Hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn hoàn thiện sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp.
4. Hỗ trợ công nghệ
Hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn tìm kiếm, lựa chọn, giải mã và chuyển giao công nghệ phù hợp với doanh nghiệp nhưng không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp.
5. Hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu
a) Hỗ trợ tối đa 50% chi phí tham gia các khoá đào tạo chuyên sâu trong nước cho học viên của doanh nghiệp về xây dựng, phát triển sản phẩm; thương mại hóa sản phẩm; phát triển thương mại điện tử; gọi vốn đầu tư; phát triển thị trường; kết nối mạng lưới khởi nghiệp với các tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học nhưng không quá 5 triệu đồng/học viên/năm và không quá 03 học viên/doanh nghiệp/năm;
b) Hỗ trợ tối đa 50% chi phí tham gia các khoá đào tạo, huấn luyện chuyên sâu ngắn hạn ở nước ngoài nhưng không quá 50 triệu đồng/học viên/năm và không quá 02 học viên/doanh nghiệp/năm.
6. Hỗ trợ về thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo
a) Miễn phí tra cứu thông tin về hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nước và quốc tế; các sáng chế, thông tin công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học; thông tin kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo, thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại Cổng thông tin và các trang thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn đăng ký thành công tài khoản bán sản phẩm, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử quốc tế nhưng không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp;
c) Hỗ trợ tối đa 50% chi phí duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế nhưng không quá 50 triệu đồng/năm/doanh nghiệp và không quá 02 năm kể từ thời điểm doanh nghiệp đăng ký thành công tài khoản trên sàn thương mại điện tử;
d) Hỗ trợ chi phí thuê địa điểm, thiết kế và dàn dựng gian hàng, vận chuyển sản phẩm trưng bày, chi phí đi lại, chi phí ăn, ở cho đại diện của doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại nhưng không quá 30 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với sự kiện tổ chức trong nước và không quá 50 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với sự kiện tổ chức ở nước ngoài;
đ) Hỗ trợ tối đa 50% chi phí tham gia các cuộc thi quốc tế về khởi nghiệp sáng tạo nhưng không quá 30 triệu đồng/cuộc thi/năm/doanh nghiệp.
IV. Quy trình, thủ tục hỗ trợ
Quy trình thực hiện hỗ trợ theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP và Điều 5, Điều 6 Thông tư số 06/2022/TT-BKHĐT, như sau:
1. DNNVV gửi Hồ sơ đề xuất nhu cầu hỗ trợ thông qua hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến tới Sở KH&CN. (Sở KH&CN thu thập nhu cầu hỗ trợ theo Quý).
2. Sở KH&CN xem xét hồ sơ, có thông báo (bằng văn bản hoặc trực tuyến) cho doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp không đủ điều kiện hỗ trợ, Sở Khoa học và Công nghệ có thông báo để doanh nghiệp biết. Trường hợp doanh nghiệp đủ điều kiện hỗ trợ nhưng chưa đầy đủ hồ sơ, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ. Trường hợp doanh nghiệp đủ điều kiện hỗ trợ và đầy đủ hồ sơ, Sở Khoa học và Công nghệ có thông báo về việc hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong thông báo thể hiện rõ nội dung, kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ và kinh phí khác (nếu có).
3. Sau khi có thông báo về việc hỗ trợ, Sở Khoa học và Công nghệ cùng với cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có năng lực cung cấp sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (gọi chung là bên cung cấp) tiến hành ký hợp đồng; trong hợp đồng có thể hiện rõ phần kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ, chi phí do doanh nghiệp nhỏ và vừa chi trả, chi phí khác (nếu có) và điều khoản thanh toán (mẫu hợp đồng theo quy định tại Phụ lục 1, Thông tư số 06/2022/TT-BKHĐT). Trên cơ sở kết quả triển khai thực hiện hợp đồng, ba bên nghiệm thu, thanh lý và thanh quyết toán chi phí hợp đồng theo quy định.
4. Hồ sơ đề xuất nhu cầu hỗ trợ bao gồm:
a) Tờ khai xác định doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa và đề xuất nhu cầu hỗ trợ theo mẫu quy định tại Phụ lục đính kèm, trong đó ghi rõ nội dung và mức ngân sách đề nghị được hỗ trợ, báo giá của bên cung cấp (nếu có);
b) Những tài liệu, hồ sơ liên quan đến nội dung đề xuất hỗ trợ (nếu có): Tài liệu xác định DNNVV khởi nghiệp sáng tạo theo các tiêu chí quy định tại Điều 20 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP:
– Đối với DNNVV đăng ký xét theo tiêu chí tại khoản 1 Điều 21 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP (khoản 1 mục I công văn này): doanh nghiệp cung cấp tài liệu: Giấy chứng nhận đạt giải thưởng cấp quốc gia, quốc tế về khởi nghiệp sáng tạo hoặc sản phẩm, dự án về đổi mới sáng tạo. Giấy chứng nhận có thời gian không quá 05 năm tính đến thời điểm DNNVV nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ; hoặc Văn bằng bảo hộ đối với sáng chế hoặc giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ hoặc giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao với điều kiện các tài liệu này vẫn còn thời hạn tính đến thời điểm DNNVV nộp hồ sơ đề xuất nhu cầu hỗ trợ.
– Đối với DNNVV đăng ký xét theo tiêu chí tại khoản 2 Điều 21 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP (khoản 2 mục I công văn này): doanh nghiệp cung cấp tài liệu Hợp đồng góp vốn hoặc văn bản xác nhận khoản đầu tư của quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo có giá trị tối thiểu 01 tỷ đồng; thời điểm đầu tư không quá 05 năm đến khi DNNVV nộp hồ sơ đề xuất nhu cầu hỗ trợ; hoặc Văn bản cam kết của quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo với khoản đầu tư tối thiểu 500 triệu đồng và thời điểm cam kết không quá 01 năm đến khi DNNVV nộp hồ sơ đề xuất nhu cầu hỗ trợ; hoặc Văn bản xác nhận hoặc hợp đồng thể hiện đang thực hiện hỗ trợ cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo của các khu làm việc chung, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở ươm tạo, cơ sở thúc đẩy kinh doanh, trung tâm đổi mới sáng tạo; hoặc văn bản cam kết hoặc hợp đồng thể hiện sẽ hỗ trợ cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo. Thời điểm xác nhận, cam kết hỗ trợ không quá 06 tháng tính đến thời điểm DNNVV nộp hồ sơ đề xuất hỗ trợ.
– Đối với DNNVV đăng ký xét theo tiêu chí tại khoản 3 Điều 21 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP (khoản 3 mục I công văn này) (xét duyệt thông qua Hội đồng): doanh nghiệp cung cấp các thông tin để hội đồng xét duyệt theo tiêu chí tại khoản 3 mục I (nếu có).
5. Hồ sơ thanh toán kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm:
a) Thông báo về việc hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;
b) Hợp đồng, thanh lý hợp đồng và nghiệm thu (nếu có) giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ;
c) Các hóa đơn, chứng từ tài chính có liên quan.
6. Sở Khoa học và Công nghệ rà soát hồ sơ, tổng hợp nhu cầu đề xuấthỗ trợ của DNNVV và phê duyệt kế hoạch hỗ trợ DNNVV theo năm hoặc theo quý. Việc lựa chọn bên cung cấp để triển khai kế hoạch hỗ trợ DNNVV thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
VI. Phụ lục đề xuất nhu cầu hỗ trợ: Xem tại đây!
VII. Đính kèm Quyết định số 3641/QĐ-UBND ngày 18/12/2023: Chi tiết tại đây!
VIII. Thông tin liên hệ và địa chỉ gửi hồ sơ
Doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu gửi hồ sơ đăng ký trực tiếp hoặc trực tuyến về Sở Khoa học và Công nghệ – thông qua Văn phòng Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh BR-VT (Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh BR-VT). Địa chỉ: Số 379 đường Hà Huy Tập, P. Phước Trung, Tp. Bà Rịa. Email: startup.brvt@gmail.com. Điện thoại:0918.033.272 (Bà. Nguyễn Thị Hoa Mai).
- Chính sách hỗ trợ đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (15/05/2024)
- Kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2024 (01/04/2024)
- Kế hoạch Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2023 - 2025 (17/04/2023)
- Chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2023 (02/03/2023)
- Quyết định về việc bãi bỏ Hướng dẫn số 01/HD-SKHCN ngày 03/3/2021 của Sở Khoa học và Công nghệ triển khai Kế hoạch số 149/KH-UBND ngày 10/11/2020 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (22/12/2022)
- Chính sách hỗ trợ Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2025 (25/05/2022)
- Chính sách hỗ trợ Tổ chức hỗ trợ Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2025 (25/05/2022)
- Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (24/05/2022)
- TỔNG HỢP CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VÀ HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP ĐMST TẠI TỈNH BR-VT (19/03/2021)
- Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (26/01/2021)
|