SÁNG TẠO HỮU ÍCH
Khách đến Trường THCS Hòa Hội (huyện Xuyên Mộc) được mời uống nước với ống hút làm từ cây sả. Đây là sản phẩm từ đề tài “Ống hút tự nhiên từ sả” do cô Nguyễn Thị Ngọc Anh và 2 HS Nguyễn Hữu Khang, Nguyễn Thị Bảo Ngân (lớp 9A2) thực hiện và giành giải Ba Cuộc thi sáng tạo KH-KT cấp tỉnh năm học 2018-2019. Nguyên liệu làm ống hút đơn giản, thân thiện môi trường, được bóc ra từ cây sả, dùng keo dán kín bằng bột nếp nấu chín. Hữu Khang chia sẻ, ý tưởng làm ống hút từ cây sả nảy sinh khi em thấy mẹ ngồi bóc những lớp sả già để bỏ đi, rất phí. Nhìn những lớp sả già cuộn tròn lại như hình ống hút, Khang rủ Ngân trình bày ý tưởng với cô Ngọc Anh và 3 cô trò đăng ký đề tài với nhà trường. “Sản phẩm làm rất đơn giản. Cây sả được trồng trong vườn mỗi nhà, hoặc chỉ cần mua 2.000 đồng là chúng tôi có thể làm được 40 ống hút vừa sạch, vừa an toàn, lại thân thiện với môi trường”, cô Ngọc Anh chia sẻ.
Thầy Phạm Đức Khương giới thiệu với học trò về Ngôi nhà thông minh - một sáng tạo KH-KT của Trường THCS Hòa Hiệp năm học 2016-2017. |
Từ đó, mỗi khi rảnh, cô và trò Trường THCS Hòa Hội lại cùng nhau làm ống hút sả, để ở căn tin trường cho mọi người dùng. Những ống chưa dùng đến có thể bảo quản trong tủ lạnh được khoảng 1 tháng. Nhiều GV, HS Trường THCS Hòa Hội dùng ống hút sả thay thế ống hút nhựa bởi thích thú với sản phẩm mới, thơm và an toàn.
Ấp ủ ý tưởng khoa học gắn liền với đời sống, mỗi năm thầy và trò Trường THCS Hòa Hiệp đều có từ 3-4 sáng tạo tham dự các cuộc thi sáng tạo KH-KT các cấp và đạt giải thưởng. Hôm chúng tôi đến, thầy Phạm Đức Khương cùng 2 HS Nguyễn Thế Vũ, Huỳnh Ngọc Anh Thư (lớp 8A4) đang thực hành “Thiết bị tự động vệ sinh khi nồng độ NH3 (mùi hôi) vượt ngưỡng” (nhà vệ sinh thông minh). Thầy Khương cho biết, nhà vệ sinh (NVS) trường học hoặc NVS công cộng thường không được sạch sẽ, một phần do thiếu người dọn dẹp, phần khác do ý thức của người sử dụng. “Chúng tôi đã nghiên cứu thiết bị để khi nồng độ NH3 quá ngưỡng, hệ thống nước tự động sẽ xả và làm sạch NVS. Như vậy NVS sẽ luôn sạch, không còn mùi hôi”- thầy Khương nói. Theo thầy Khương, chi phí để lắp thiết bị này chỉ hơn 1 triệu đồng.
TRĂN TRỞ ĐƯA SÁNG TẠO VÀO CUỘC SỐNG?
Ngoài 2 ý tưởng trên, còn nhiều sản phẩm sáng tạo khác dễ thực hiện, có tính ứng dụng cao cũng được tạo ra từ bàn tay và khối óc của thầy và trò các trường học trên địa bàn huyện Xuyên Mộc như: “Gạc cứu thương - dung dịch sát khuẩn từ cây cộng sản, cỏ mực, nghệ” (THCS Bình Châu), “Sản phẩm dưỡng da từ thiên nhiên” (THCS Hòa Hiệp), “Diệt ruồi vàng hại quả bằng bã thầu dầu” (THCS Bưng Riềng), “Đuổi gián bằng chế phẩm sinh học từ cây lá dứa” (THCS Bưng Riềng), “Điều chế tinh dầu hương nhu giúp điều trị hiệu quả bệnh rụng tóc” (THCS Hòa Hội), “Diệt trừ ốc sên trong sản xuất rau sạch bằng bã sinh học” (THCS Bưng Riềng), “Chiết xuất chất độc từ cà độc dược làm thuốc trừ sâu sinh học” (THCS Hòa Hiệp)…
Cô Ngọc Anh và 2 em HS: Hữu Khang, Bảo Ngân làm ống hút từ sả - đề tài đạt giải Ba cấp tỉnh Cuộc thi sáng tạo KH-KT năm học 2018-2019. |
“Chúng tôi đưa cà độc dược về trồng trong vườn nhà để lấy mẫu nghiên cứu. Cà được ngâm với rượu, sau đó ép lấy chất độc làm thuốc tưới cho cây. Thử nghiệm trên vườn hoa của trường, kết quả cho thấy có thể tiêu diệt tới hơn 80% côn trùng gây hại. Tuy nhiên, hạn chế của thuốc là chỉ có tác dụng trong vòng 2 giờ đồng hồ”, thầy Phạm Đức Khương kể.
Không dừng lại đó, nhiều trường học ở huyện Xuyên Mộc còn có những sáng tạo mang giá trị lớn, đòi hỏi sự say mê cống hiến của cả thầy và trò như đề tài: “Bệnh trầm cảm” (THCS Phước Bửu), “Xe quét, gom rác không sử dụng động cơ” (THCS Phước Tân)… Đặc biệt, đề tài “Khảo sát thành phần hóa học và thử hoạt tính gây độc tế bào ung thư gan, vú, cổ tử cung của các phân đoạn cao Etyl Axetat lá cây thiết đinh cà ná” của Trường THPT Hòa Hội. Đề tài do nhóm HS Nguyễn Thị Minh Hương, Nguyễn Thị Quỳnh Anh (lớp 12A1) thực hiện với sự hướng dẫn của thầy Võ Công Thìn, từng đạt giải Ba cấp quốc gia Cuộc thi KH-KT năm học 2017-2018.
Cuộc thi sáng tạo KH-KT là sân chơi tạo cho HS thói quen tìm tòi, phát triển những ý tưởng thành các nghiên cứu sáng tạo. Từ đó, khi trưởng thành, các em sẽ có ý thức đổi mới, sáng tạo trong cuộc sống, công việc, phát triển bản thân và đóng góp cho xã hội. Với những ý tưởng sáng tạo hay, đạt giải thưởng cấp Quốc gia và mang tính thực tiễn cao, thường được các trường đại học, DN chú ý và trao thưởng, cấp học bổng hoặc mời tham gia để tiếp tục nghiên cứu tiếp, đưa sáng tạo vào cuộc sống.
(Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT)
|
Thầy Thìn cho hay, thiết đinh cà ná được các nhà nghiên cứu tìm thấy tại khu vực Cà Ná, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận năm 2015, nhưng còn nhiều chiết xuất từ loài cây này chưa được phát hiện. Thực hiện đề tài, trong suốt 8 tháng, cứ cuối tuần, thầy và trò lại bắt xe đò lên phòng nghiên cứu của Viện Pasteur (TP. Hồ Chí Minh) để chiết xuất một số chất từ cây. Sau đó, mẫu được gửi qua Trường ĐH Khoa học Tự nhiên để thử hoạt tính của 2 chất (apigenin, luteolin) do 3 thầy trò chiết xuất, tinh chế nhiều lần. Kết quả, 2 hợp chất thử hoạt tính gây độc trên 3 dòng tế bào ung thư vú MCF-7, ung thư gan HepG2 và ung thư cổ tử cung HeLa, cho thấy có khả năng gây độc tế bào rất tốt. Nghiên cứu này đã đạt giải Nhất cấp tỉnh, giải Ba toàn quốc, cùng 2 suất vào thẳng ĐH của 2 HS. Đây là phần thưởng xứng đáng cho thầy và trò Trường THPT Hòa Hội.
Cuộc thi KH-KT THCS, THPT những năm qua đã ghi nhận nhiều dự án, sáng chế khả thi, hiệu quả thực tiễn cao. Tuy nhiên, nhà nước cần có cơ chế, chính sách tạo động lực cho GV, HS nghiên cứu khoa học, tạo quỹ hỗ trợ triển khai thực hiện các ý tưởng, bởi nếu các ý tưởng chỉ dừng ở mức giải thưởng mà không được tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng trong thực tiễn thì rất đáng tiếc.
(Ông Hoàng Ngọc Quyết, chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện Xuyên Mộc)
|
Phong trào sáng tạo KH-KT học đường không chỉ tạo điều kiện cho HS có năng lực, đam mê nghiên cứu khoa học, mà còn thúc đẩy phong trào đổi mới dạy - học theo hướng tôn trọng, tăng cường năng lực người học, phát triển toàn diện HS, thay đổi cách thức đánh giá HS… Tuy nhiên, nhiều GV, HS cũng trăn trở làm sao để những sáng tạo gần gũi, thiết thực ấy đi vào cuộc sống, chứ không chỉ dừng lại ở một cuộc thi.
- Dự án số hóa từ chiếc vỏ sò 2.000 năm tuổi (18/12/2024)
- FESTIVAL KHỞI NGHIỆP 2024: Chuỗi canh tác nông lâm kết hợp và phát triển bền vững cây Sa kê Việt Nam (15/12/2024)
- Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo vươn tầm từ địa phương ra thế giới (27/11/2024)
- Khởi nghiệp sáng tạo có thể tạo ra những thay đổi đột phá (27/11/2024)
- Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: Khoa học và Công nghệ – động lực tăng trưởng kinh tế (17/11/2024)
- Biến rác thải thành tiền (04/11/2024)
- Tọa đàm chia sẻ cách gia tăng doanh số bán hàng qua kênh nền tảng xã hội (06/10/2024)
- 22 giải pháp, ý tưởng tranh tài tại Vòng Bán kết Cuộc thi ĐMST ngành Thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu (29/09/2024)
- Thông báo Vòng Bán kết Cuộc thi Đổi mới sáng tạo ngành Thuỷ sản Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2024 (23/09/2024)
- Tăng cường năng lực doanh nghiệp cho giai đoạn kinh tế xanh và bền vững (25/08/2024)
|